In bài viết

Hội thảo: Kinh tế chính trị - những vấn đề đương đại

(Chinhphu.vn) - Hội thảo Quốc gia “Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại” làm hoạt động có tính chất dẫn đường về học thuật, đóng góp thực tế vào quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn trong xây dựng đất nước.

26/10/2024 17:38
Hội thảo: Kinh tế chính trị - những vấn đề đương đại- Ảnh 1.

Hội thảo Quốc gia “Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại” - Ảnh: VGP/NN

Ngày 26/10, tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra Hội thảo Quốc gia “Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các hiệp hội, các nhà quản trị thảo luận, trao đổi về những vấn đề kinh tế chính trị đương đại có tính toàn cầu; những vấn đề kinh tế chính trị ở Việt Nam hiện nay trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động nhanh chóng và sâu sắc. 

Hội thảo được tổ chức bởi Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Khoa học kinh tế chính trị không ngừng đổi mới, cập nhật 

PGS. TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: "Kinh tế chính trị đã và đang khẳng định vai trò là một lĩnh vực khoa học chủ đạo, được nghiên cứu và giảng dạy rộng rãi trên toàn cầu. Qua nhiều năm, ngành này không ngừng phát triển, trở nên ngày càng liên ngành và đa chiều, tiếp cận những vấn đề nổi cộm của thế giới đương đại như bất bình đẳng, tái phân phối, phát triển bền vững, toàn cầu hóa, khủng hoảng kinh tế, và các chính sách kinh tế-môi trường. 

Những biến chuyển liên tục của tình hình kinh tế, chính trị, và xã hội đòi hỏi khoa học kinh tế chính trị phải không ngừng đổi mới, cập nhật để theo kịp xu thế phát triển của thế giới và đóng góp hiệu quả cho công tác lý luận.

Trong bối cảnh này, PGS. TS Nguyễn Trúc Lê cho biết, khoa học kinh tế chính trị ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đóng góp quan trọng của ngành đã tạo nền tảng lý luận cho các quyết sách của Đảng, hỗ trợ những bước tiến trong công cuộc Đổi mới. 

Việc giảng dạy và nghiên cứu kinh tế chính trị tại Việt Nam hiện nay đang kết nối và hội nhập với những tiến bộ trên thế giới, đồng thời giữ vững những định hướng truyền thống vốn là giá trị cốt lõi của chúng ta. 

Sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong lĩnh vực này đòi hỏi những cuộc đối thoại sâu rộng, tạo ra một không gian thảo luận cởi mở và sáng tạo. Trong bối cảnh đó, Khoa Kinh tế Chính trị của Trường Đại học Kinh tế, với bề dày uy tín và truyền thống, cần đóng vai trò tiên phong, gắn kết giữa tri thức trong nước và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành.

Thúc đẩy sự phát triển khoa học kinh tế chính trị tại Việt Nam

Hội thảo “Khoa học Kinh tế Chính trị: Những vấn đề đương đại” thu hút được sự tham gia đông đảo của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giảng viên tại các trường đại học trong cả nước, nghiên cứu sinh, học viên. 

Hội thảo: Kinh tế chính trị - những vấn đề đương đại- Ảnh 5.

Các phát biểu tại hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề kinh tế chính trị đương đại tại Việt Nam - Ảnh: VGP/NN

Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề kinh tế chính trị đương đại trên thế giới và ở Việt Nam, các xu hướng kinh tế chính trị cũng như dự báo toàn cầu hoá kinh tế trong những năm tới của thế giới, với những vấn đề như: Trật tự kinh tế thế giới thể hiện qua quá trình phân mảnh của xu thế toàn cầu hoá trong thế kỷ XXI, bản chất của chủ nghĩa tư bản qua góc nhìn mô hình tăng trưởng xanh; Triển vọng cũng như sự phức tạp của trật tự kinh tế thế giới mới này.

Các vấn đề kinh tế chính trị thế giới còn cung cấp những phân tích sâu sắc ở khía cạnh của vấn đề tài chính toàn cầu với các biểu hiện của sự biến đổi và dấu hiệu đổ vỡ của hệ thống tài chính thế giới hay nguy cơ chiến tranh tiền tệ. 

Thảo luận tại Hội thảo không chỉ giúp làm rõ hơn những thách thức mà thế giới đang đối mặt mà còn cung cấp những gợi ý cho các nhà quản lý, chính phủ và các nhà nghiên cứu trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phức tạp hiện nay. 

Hội thảo cũng tập trung làm rõ các vấn đề kinh tế chính trị đương đại tại Việt Nam. Đây là một phần rất quan trọng, phản ánh sự phát triển nhanh chóng và những thách thức mà kinh tế chính trị Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập toàn cầu, những tác động của trật tự thế giới mới tới kinh tế chính trị Việt Nam nói chung và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam nói riêng; Những vấn đề như cải cách kinh tế, chính sách phát triển xanh và bền vững ở Việt Nam, quản lý tài nguyên, và phát triển bền vững; biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính, bất bình đẳng kinh tế, chuyển đổi số, hạ tầng số và kinh tế số, vốn xã hội và bình đẳng giới, dân số, năng suất lao động được bàn luận một cách sâu sắc, nhằm đưa ra những góc nhìn và nhận định mới mẻ được đưa ra thảo luận chi tiết.

Các nhà khoa học đã phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế chính trị của đất nước, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm đổi mới ty duy, nhận thức hành động để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, tận dụng và phát huy những tiềm lực mềm một cách hiệu quả và bền vững; đánh giá và nhìn nhận đúng nhằm phát huy vai trò của kinh tế tư nhân; những giải pháp cho vấn đề an ninh kinh tế Việt Nam, kinh tế biên mậu nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế dài hạn.

Trong những năm qua, kinh tế chính trị học ở Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng về lý luận, làm nền tảng cho các quyết sách của Đảng và nhà nước, góp phần vào thành tựu của công cuộc Đổi mới. Hiện nay, việc nghiên cứu và giảng dạy kinh tế chính trị ở Việt Nam đang có bước phát triển cùng với các xu hướng lớn trên thế giới, đồng thời tiếp tục duy trì những định hướng cơ bản, mang tính truyền thống.

Những mối liên hệ và đứt gãy giữa tính liên tục, kế thừa truyền thống với tính mới, cập nhật đương đại trong kinh tế chính trị đòi hỏi phải tăng cường đối thoại khoa học về các vấn đề đương đại và truyền thống, tạo không gian thảo luận cởi mở làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển của khoa học kinh tế chính trị tại Việt Nam.

Nhật Nam