In bài viết

Hội thảo về Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Quỹ tín thác đa biên giai đoạn 2” - MDTF2 tài trợ để xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ngày 18/11/2011, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Hội thảo.

18/11/2011 08:10
Với tổng số gần 280.000 km đường bộ, gồm: 16.758 km quốc lộ, 25.449 km đường tỉnh, 17.025 km đường đô thị, 7.837 km đường chuyên dùng, 51.720 km đường huyện, khoảng 161.136 km đường xã và trên 28 ngàn cây cầu lớn nhỏ các loại, hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở nước ta hiện đang đảm nhận khoảng 90% về vận tải hành khách và 70% về vận tải hàng hóa trong toàn bộ hệ thống giao thông vận tải của cả nước. So với những năm đầu của thập kỷ 90, tổng chiều dài đường bộ của cả nước đã tăng lên gần 2 lần. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ của Đảng và Nhà nước trong điều kiện ngân sách nhà nước rất hạn hẹp.
Mặc dù vậy, hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của nước ta trong tình trạng yếu kém. Biểu hiện ở quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, hầu hết các tuyến đường hiện có chưa đạt chuẩn về cấp độ kỹ thuật, chất lượng xấu, bị tắc nghẽn hoặc bị ngập lụt, chia cắt, ... chưa đáp ứng được vai trò làm nền tảng phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ những hạn chế nêu trên, các nghiên cứu về giải pháp phát triển giao thông đường bộ ở Việt Nam đã chỉ rõ ở bối cảnh hiện tại, Việt Nam cần phải thực hiện đồng thời cùng lúc 2 nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược:
Một là, thực hiện đầu tư xây dựng mới các tuyến giao thông đường bộ nhằm bổ sung hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Hai là, đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng, bảo trì và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện có để duy trì năng lực phục vụ hiện tại và kéo dài tuổi thọ của các công trình. Đây là giải pháp nhằm chia sẻ, giảm bớt gánh nặng thực tế là các tuyến giao thông đang “khát vốn” để đầu tư xây dựng mới.
Việc xây dựng Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược nêu trên. Tại Hội thảo lần này, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: phương thức thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển đường bộ; quản lý, sử dụng đất gắn liền với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; báo cáo kê khai, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nội dung liên quan khác…
Tin, ảnh: Cục QLCS