In bài viết

Hồi ức về một thời đáng nhớ

(Chinhphu.vn) - Báo Điện tử Chính phủ giới thiệu 'hồi ức về một thời đáng nhớ' của Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, người có hơn 40 năm công tác trong ngành trước thềm Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30.

09/08/2018 11:50

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Trong hơn 40 năm công tác trong ngành ngoại giao, kể từ cuối năm 1970, trừ hơn 10 năm đầu còn là cán bộ mới vào ngành công tác tại Vụ Đông Bắc Á và Đại sứ quán ta tại Bình Nhưỡng, thời kỳ mà tôi thấy học được nhiều nhất, tích luỹ nhiều kinh nghiệm quý báu nhất là khoảng 10 năm tiếp theo, từ khi được tham gia Đợt tập sự cấp vụ (1982) cho đến khi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Hàn Quốc (1992). Sống và làm việc trong thời kỳ kinh tế đất nước khủng hoảng và đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, tình hình quốc tế và khu vực đầy xáo động, nhưng đổi lại, chúng tôi đã được chứng kiến và học được bao nhiêu điều mà các thế hệ cán bộ sau này khó có thể hình dung được.

Hồi đó, các hoạt động ngoại giao còn ít và hạn chế do ta bị bao vây, cô lập về ngoại giao. Nhưng công tác nghiên cứu thì rất sôi động, thu hút toàn bộ tâm sức của lãnh đạo và cán bộ của Bộ, nhằm tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, bình thường hoá quan hệ với các đối tác quan trọng; đồng thời, thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế từ kế hoạch hoá sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều may mắn nhất đối với chúng tôi là hàng ngày được tham gia các sinh hoạt của Bộ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vị tư lệnh ngành ngoại giao, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, với sự tham gia của các vị lãnh đạo Bộ và cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm, sắc sảo về trí tuệ và đặc biệt là cùng mang ý chí và khát vọng như người anh đầu đàn của mình. Trọng tâm nghiên cứu khi đó là tìm lời giải đáp chính xác nhất cho các câu hỏi: Vì sao Khmer đỏ lại trở mặt và chống ta? nguyên nhân nổ ra chiến tranh biên giới phía bắc? Các thế lực quốc tế lớn khi đó câu kết chống ta sẽ đi với nhau lâu dài hay chỉ tạm thời? từ đó tìm ra đối sách phù hợp. Thực tiễn sau này đã chứng minh những lý giải của Phó Thủ tướng đối với các vấn đề đó hoàn toàn chính xác. Không chỉ trong nghiên cứu, ông còn là bậc thầy trong việc ứng phó và xử lý đối với các tình huống ngoại giao vô cùng phức tạp. Thực tình, cán bộ ngoại giao hồi ấy, từ các vị lão làng đến lớp cán bộ trẻ chúng tôi đều ... nể sợ ông vì hay bị ông truy hỏi đến cùng những việc mà ông đã giao, nhưng đồng thời lại háo hức, không bao giờ bỏ sót những dịp được nghe ông phân tích, kết luận về những vấn đề hóc búa đặt ra. Tính ông rất nghiêm khắc, đòi hỏi cao đối với cán bộ nhưng đồng thời cũng rất hóm hỉnh, bông lơn nên dù bị ông la mắng, cuối cùng ai cũng thấy học được điều gì đó qua mỗi sự việc. 

Ngay trong tiếp xúc ngoại giao cũng vậy, nhiều khi không khí tranh luận rất căng thẳng nhưng cuối cùng Bộ trưởng đều có cách kết thúc có hậu, để khách ra về với hy vọng về triển vọng đối thoại tiếp theo. Trong lĩnh vực chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế, Bộ trưởng và ngành ngoại giao đã có những đóng góp thật to lớn. Bây giờ, “kinh tế thị trường” đã trở thành thuật ngữ quá quen thuộc với chúng ta, nhưng vào trước năm 1989, khi Bộ trưởng chỉ đạo dịch và in cuốn sách Kinh tế học của Paul A. Samuelson để chuyển cho các vị lãnh đạo cấp cao, các bộ, ngành và các cơ quan nghiên cứu... thì khái niệm này còn quá mới mẻ, thậm chí ít người dám nhắc đến, nên ông phải sử dụng một thuật ngữ thay thế là “kinh tế hàng hoá nhiều thành phần”. Chúng tôi còn nhớ những câu hỏi mà ông luôn trăn trở: Tại sao đất nước đã hoàn toàn thống nhất mà người dân không được phép mang lương thực, thực phẩm từ vùng này sang vùng khác… Và chính ông đã thẳng thắn, tranh luận để yêu cầu chính phủ áp dụng chế độ 1 giá đối với hàng hoá, trước hết là lương thực, 1 tỷ giá đối với thu mua và chuyển đổi ngoại tệ, đề nghị kiên quyết hạn chế in tiền để chống lạm phát, thay vào đó, phải có biện pháp thu hút tiền vào hệ thống ngân hàng và bắt đồng tiền quay vòng càng nhiều càng tốt... Ông cho rằng đất nước là 1 cơ thể sống, luồng hàng hoá và tiền tệ như là hệ thống mạch máu thông suốt mới giúp cho cơ thể hoạt động và phát triển lành mạnh. Và kinh tế Việt Nam cũng phải là 1 bộ phận của kinh tế thế giới mới phát triển được. Vì vậy, mặc dù nhiệm vụ đối ngoại rất nặng nề nhưng Bộ trưởng đã quyết tâm đầu tư lực lượng đáng kể cho công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, cải tổ bộ máy với 3 vụ kinh tế: Kinh tế Việt Nam, kinh tế thế giới và hợp tác kinh tế. Những thành quả nghiên cứu của các đơn vị trên và sự chỉ đạo của Bộ trưởng đã tạo nên nhận thức mới về con đường phát triển kinh tế đất nước trong toàn ngành và cũng là cơ sở cho lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng làm việc với các cơ quan, ban ngành để tham mưu xây dựng chính sách cho Đảng và Nhà nước. 

Cá nhân tôi, qua 4 năm học việc và trưởng thành ở Vụ Tổng hợp đối ngoại, nay là Vụ Chính sách đối ngoại đầu năm 1987 được Bộ điều về làm Phó Chánh văn phòng, rồi Quyền Chánh văn phòng (1988) và Chánh văn phòng (1990), tôi thực sự tự hào về những năm tháng làm việc đầy cam go nhưng rất hiệu quả đó. Ngoài những chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng như hiện nay, thì xây dựng hệ thống thông tin thông suốt nhiều chiều và giúp lãnh đạo Bộ theo dõi, điều phối, đốc thúc công tác của các đơn vị trong và ngoài Bộ, xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hoà với các ban, ngành ở Trung ương và các địa phương là những nhiệm vụ ưu tiên mà tôi kế thừa từ người tiền nhiệm là anh Bùi Hồng Phúc1.

Khi đó, các đồng chí lãnh đạo Bộ thường tập trung làm việc với các cơ quan tham mưu của Đảng và chính phủ trong khi các địa phương, các đơn vị của các bộ, ngành có nhu cầu rất lớn được nghe Bộ Ngoại giao thuyết trình về tình hình quốc tế và chủ trương đối ngoại của Việt Nam. Anh Phúc rất chịu khó, thay mặt Bộ đáp ứng nhu cầu này và anh rất vui vì từ khi về Văn phòng Bộ, tôi có thể chia sẻ công việc này với anh. Dần dần, tôi cũng hiểu rõ tầm quan trọng của công tác này, không những giúp cho các bộ, ngành và địa phương có nhận thức mới về tình hình quốc tế và chủ trương về đối ngoại và phát triển kinh tế của Đảng mà còn qua đó, xây dựng được mối quan hệ hợp tác gắn bó với nhiều bộ ngành và các địa phương. Tôi cũng vận động anh chị em cấp Vụ các đơn vị làm công tác đối ngoại cũng tham gia nói chuyện và thuyết trình theo đề nghị của các bộ, ngành và địa phương. Có nhiều vấn đề đối ngoại liên quan đến các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương trước đây xử lý khá phức tạp do còn có nhận thức khác nhau giữa Bộ Ngoại giao và các cơ quan, địa phương đó, nhưng nhờ mối quan hệ và sự thông cảm lẫn nhau nên từ đó trở nên thông thoáng, giải quyết  nhanh gọn hơn hẳn. Không những thế, trong lúc đời sống cán bộ nhân viên trong Bộ rất khó khăn, một số địa phương thể hiện sự cảm ơn đối với Bộ bằng cách cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ, nhân viên của Bộ trong những dịp Tết cổ truyền và những ngày lễ lớn đã mang lại niềm vui cho anh em giữa lúc đời sống còn khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng đưa các kiến thức và chủ trương ngoại giao đến với các địa phương, trong tình hình phương tiện thông tin còn rất hạn chế, giao thông đi lại còn rất khó khăn, Văn phòng đã bắt đầu mở các lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao cho các địa phương, đối tượng tham gia bước đầu là các đồng chí chánh, phó văn phòng UBND các tỉnh (khi đó chưa có hệ thống sở ngoại vụ như hiện nay). Điều hết sức vinh dự cho Bộ Ngoại giao và văn phòng Bộ: Một trong các học viên của loại hình bồi dưỡng này chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đương nhiệm, khi đó còn là Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Được gặp lại ông sau này, khi ông đã ở cương vị rất cao, Thủ tướng vẫn rất hồn hậu nhắc lại việc ông đã được tiếp cận và học hỏi về ngoại giao như thế nào qua kênh bồi dưỡng đầu tiên của Bộ Ngoại giao. 

Chúng ta sắp bước vào Hội nghị ngành ngoại giao lần thứ 30, ôn lại những kỷ niệm của một thời công tác đầy ý nghĩa, tôi và chắc cả các đồng nghiệp cùng thế hệ, không khỏi bồi hồi, tưởng nhớ đến hình ảnh và công lao to lớn của những vị tiền bối trong ngành, đặc biệt là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, người thầy, người anh lớn của ngành ngoại giao, đã ra đi đúng 20 năm trước, và các vị lãnh đạo Bộ, các chuyên gia đầu ngành đã xây đắp nên nền móng của ngành ngoại giao hiện đại Việt Nam mà nay không còn nữa. Tôi cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ và kính trọng những người anh lớn và nhiều đồng nghiệp trong ngành của thời kỳ đó mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình với sự nghiệp ngoại giao, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho thế hệ ngoại giao hiện nay, góp phần phát triển ngành ngoại giao lên tầm cao mới./. 

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

1 Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Trung Quốc