Chỉ tính riêng trong tháng 7/2024, đã xảy ra 83 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.0, trong đó, có tới 82 trận động đất kích thích xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Trận động đất còn lại xảy ra tại khu vực huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 21/7 với độ lớn 4.1.
Đáng chú ý là ngày 28/7 có tới 21 trận động đất; ngày 29/7 có 25 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Trong đó, trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra vào lúc 11h35' ngày 28/7 tại huyện Kon Plong được xác định là trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này.
Theo Viện Vật lý địa cầu, từ tháng 4/2021, khu vực Kon Plong, Kon Tum ghi nhận hàng trăm trận động đất kích thích, gấp nhiều lần so với số trận động đất xảy ra trong hơn một thế kỷ trước đó. Phần lớn các trận động đất ở Kon Tum yếu, ít khả năng gây thiệt hại.
TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết, động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn. Điều này liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.
Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất.
"Có thể hôm nay hồ chứa tích nước, mực nước rất cao, nhưng việc ảnh hưởng có thể sau đó vài tháng, thậm chí vài năm sau nước ngấm xuống sâu bên dưới mới gây ra động đất", TS. Nguyễn Xuân Anh cho hay.
Dự báo động đất kích thích tại Kon Plông khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ và sẽ kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau đó mới ổn định, tương tự như động đất kích thích xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam do hai khu vực này cùng đặc điểm địa chất.
Vì thế, cần tiếp tục triển khai nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực Kon Plong để có thêm thông tin chính xác hơn, qua đó triển khai giải pháp đầy đủ, cụ thể hơn.
TS. Nguyễn Xuân Anh cũng lưu ý, ảnh hưởng của động đất đến môi trường tùy thuộc vào từng vị trí, cấu tạo địa chất của khu vực và cường độ động đất khác nhau. Động đất có thể gây rung lắc, gây nứt đất, phá hủy công trình, hóa lỏng nền đất gây lún, nghiêng công trình; sụt lún, sạt lở đất, đá lăn từ vách núi.
Ngoài ra, động đất có thể làm sụt giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước. Ví dụ trận động đất ở Cao Bằng năm 2019 có độ lớn M=5.4 làm dòng suối ở khu vực xã Đàm Thủy bị mất nước, mó nước cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân xung quanh bị cạn, một số giếng khoan, nước đục như bùn loãng.
Hay trận động đất Mộc Châu (Sơn La) năm 2020 có độ lớn M=5.3 khiến xã Nà Mường xuất hiện hiện tượng cột nước phụt ra từ lòng đất...
Hoàng Giang