In bài viết

Hơn 300 nông dân tham gia trình diễn đồng ruộng: Cơ giới hóa gieo sạ chính xác

(Chinhphu.vn) - Vừa qua, tại Viện Lúa ĐBSCL, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức buổi trình diễn đồng ruộng: Cơ giới hóa gieo sạ chính xác, hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, thu hút hơn 300 nông dân tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp tham gia.

04/04/2023 13:04
Hơn 300 nông dân tham gia trình diễn đồng ruộng: Cơ giới hóa gieo sạ chính xác - Ảnh 1.

Cơ giới hóa gieo sạ để giảm thiểu giống và công lao động - Ảnh: VGP/Đinh Thế

Tham dự buổi trình diễn có lãnh đạo Cục Trồng trọt, Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, ngành nông nghiệp, khuyến nông 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL; các đoàn nông dân các nước: Thái Lan, Campuchia, Philippine, Malaysia; TS. Bas Bouman, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cùng đoàn cán bộ khoa học của IRRI…

Tại khu vực ruộng thí nghiệm của Viện Lúa ĐBSCL, Ban Tổ chức đã trình diễn 8 loại máy móc cơ giới hóa ứng dụng trong khâu gieo sạ lúa chính xác. Các công nghệ và máy móc tiên tiến cho gieo sạ chính xác đã được cải tiến cho phù hợp và hiệu quả với sản xuất lúa ở ĐBSCL, điển hình như: Máy sạ cụm, máy bay drone sạ lúa, sạ phân, phun thuốc Sài Gòn Kim Hồng; máy sạ hàng khí động liên hợp máy kéo; máy sạ hàng khí động liên hợp máy tự hành; máy sạ cụm Yanmar…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định: "Giảm giống gieo sạ là một yêu cầu bức thiết trong quy trình '1 phải 5 giảm'. Có thể gọi giảm giống là từ khóa của sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay. Giảm giống là giảm áp lực đầu vào khác của sản xuất lúa. Nếu không giảm được lượng giống gieo sạ thì những yêu cầu của quy trình '1 phải 5 giảm' đều không có ý nghĩa. Trình diễn, hay thực hiện mô hình, tức là làm cái gì đó để người nông dân chứng kiến mà chọn lựa được cách thức phù hợp với mình".

Cục Trồng trọt đã phối hợp với nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước tổ chức trình diễn trực tiếp, hoặc hội thi, hội thao, tạo ra nhiều sân chơi để doanh nghiệp được trình diễn, mục tiêu cuối cùng là bà con nông dân hoặc tổ chức đại diện cho nông dân có thể khai thác, sử dụng tối đa được trang thiết bị kỹ thuật.

Đây cũng chính là tâm nguyện của nông dân tham quan trình diễn. Ông Từ Bá Đạt (ấp Mỹ Bình, xã Thạnh Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết, nhà ông làm 4 ha lúa, cả lúa thịt và lúa giống, nên thấy cách thức sạ hàng phù hợp hơn với làm lúa thịt, sạ cụm thích hợp với làm lúa giống.

"Những người ít ruộng, ruộng nhỏ như tôi, việc san phẳng mặt ruộng là rất khó, mà mặt ruộng không phẳng, không tưới tiêu nước chủ động được thì khó xài máy sạ. Vì vậy, phải tổ chức các hợp tác xã kiểu mới thì mới giải quyết được vấn đề gieo sạ cho những gia đình như tôi", ông Đạt chia sẻ.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, sản xuất lúa ở ĐBSCL trong thời gian qua có nhiều thành tích, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần được cải thiện, như chi phí đầu vào sản xuất không ngừng tăng, dẫn đến lợi nhuận của người trồng lúa giảm, cách thức sản xuất truyền thống của nông dân làm tổn hại rất lớn đến môi trường. 

Giảm giống gieo sạ là vấn đề đầu tiên trong tiến trình giảm chi phí đầu vào sản xuất lúa. Cơ giới hóa gieo sạ chính xác là để giảm tối đa giống và công lao động. Việc tổ chức trình diễn gieo sạ chính xác hôm nay với nhiều thiết bị khác nhau sẽ giúp ngành nông nghiệp xây dựng chính sách, lựa chọn trang bị gieo sạ phù hợp với địa phương mình; nhà khoa học xem xét để cải tiến cỗ máy gieo sạ ngày càng hoàn thiện hơn cho nông dân.

Hơn 300 nông dân tham gia trình diễn đồng ruộng: Cơ giới hóa gieo sạ chính xác - Ảnh 2.

Nông dân tham gia Chương trình canh tác lúa thông minh, do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức - Ảnh: VGP/Đinh Thế

Theo TS. Bas Bouman, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển của IRRI, sản xuất lúa gạo rất vất vả với nhiều công việc nặng nhọc mà không phải lúc nào thời tiết, thiên nhiên cũng ủng hộ. Vì vậy, đổi mới trong sản xuất lúa gạo, máy móc sẽ giúp tăng năng suất, giảm công sức lao động cho người nông dân, có thời gian và thu nhập cao hơn để chăm lo cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Một trong những chương trình đang được những chuyên gia nông nghiệp, người nông dân và đặc biệt là Bộ NN&PTNT đánh giá hiệu quả vì đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng, giam chi phí nhân công và giống, là Chương trình canh tác lúa thông minh của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền.

Quy tụ tại chương trình trình diễn đồng ruộng này chính là những nông dân đã rất tích cực tham gia Chương trình canh tác lúa thông minh, do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và hệ thống khuyến nông 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL thực hiện tới 7 vụ lúa, qua 2 giai đoạn, từ 2016-2017, đến 2020-2022.

Chương trình canh tác lúa thông minh đã đạt được hiệu quả tốt, như giảm giống gieo sạ (từ trên 200 kg, xuống dưới 80 kg/ha), giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên 1,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng trên 400 kg thóc/ha, lợi nhuận tăng thêm từ 4-4,5 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Quy trình canh tác trong chương trình đã được Cục Trồng trọt công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền sẽ tiếp tục phối hợp cùng Cục Trồng trọt triển khai quy trình canh tác lúa thông minh vào đề án "phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh và phát thải thấp cho sản xuất lúa ĐBSCL".

Đình Thế