Sau 4 ngày triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đến nay TPHCM đã có tổng số hơn 352.000 trẻ từ 12/17 tuổi được tiêm. |
TPHCM: Hơn 352.000 trẻ từ 12/17 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19
Cập nhật đến chiều ngày 31/10, sau 4 ngày triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, đến nay đã có tổng số hơn 352.000 trẻ từ 12/17 tuổi được tiêm. Nhiều quận, huyện dự kiến hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Trước đó, theo số liệu thống kê, TPHCM có khoảng 780.000 trẻ 12-17 tuổi cần tiêm vacine. Theo kế hoạch tiêm, mũi 1 sẽ tiêm trong 5 ngày và tiêm vét trong 2 ngày.
TPHCM bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trên diện rộng từ ngày 28/10 (riêng Quận 1 và huyện Củ Chi triển khai tiêm từ ngày 27/10).
Như vậy tính đến ngày 31/10, TPHCM đã trải qua ngày thứ 4 tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng. Với tiến độ tiêm những ngày gần đây duy trì khoảng hơn 130.000 trẻ từ 12-17 tuổi/ngày, dự kiến TPHCM chỉ còn khoảng 2-3 ngày nữa sẽ hoàn thành chiến dịch.
Bình Dương: Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trong 4 ngày
Sáng 31/10, Bình Dương tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-9 cho hơn 42.000 học sinh nhóm tuổi từ 15-17 tại các điểm trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch của Sở Y tế Bình Dương ban hành ngày 29/10, từ ngày 31/10- 2/11, Bình Dương tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng trong đợt tiêm này là trẻ từ 15-17 tuổi trong các trường học công lập, ngoài công lập, các cơ sở bảo trợ xã hội, các địa phương. Thời gian triển khai đồng loạt bắt đầu từ ngày 31/10 đến 1/11 và tiêm vét cho các trường hợp bệnh nền vào ngày 2/11.
Dự kiến tổng số liều vaccine tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 58.500 liều Pfizer. Các địa phương sẽ tổ chức đồng loạt theo chiến dịch ngắn ngày với các địa điểm tiêm như: Trường học, các cơ sở bảo trợ xã hội. Riêng trẻ không đến trường sẽ tiêm tại Trung tâm y tế huyện, thị, thành phố hoặc Trạm Y tế xã.
Ngày 31/10, thực hiện Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đồng loạt học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi đang học tại các trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình đã thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác tiêm chủng tại các nhà trường.
Tính đến hết buổi sáng ngày 31/10, hầu hết các điểm tiêm đã hoàn thành công tác tiêm chủng, với trên 32 nghìn học sinh và học viên được tiêm an toàn. Đối với những đối tượng là học sinh không đủ điều kiện tiêm, như có bệnh lý nền, tiền sử dị ứng..., được tổng hợp về Trung tâm Y tế trên địa bàn để triển khai khám sàng lọc và tiêm sau khi kết thúc chiến dịch.
Với việc tiêm phòng thành công vaccine mũi 1 cho đối tượng là học sinh bậc THPT, tỉnh Ninh Bình nâng tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 1 toàn dân lên trên 90%, góp phần nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng trong phòng chống dịch COVID-19.
Yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn
Trước đó, ngày 26/10, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
Theo đó, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ và các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em theo độ tuổi đã hướng dẫn trong văn bản 8688 ngày 14/10/2021 của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn.
"Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh./.