In bài viết

Hơn 48.000 tỷ đồng vốn ưu đãi 'tiếp sức' hộ nghèo vượt đại dịch

(Chinhphu.vn) - Tổng doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đạt 48.217 tỷ đồng, với gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

05/07/2021 19:55

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng phát biểu chỉ đạo tại buổi họp giao ban.


Ngày 5/7, tại Hà Nội, NHCSXH đã tổ chức họp giao ban trực tuyến tới 63 chi nhánh tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021. Bí thư Đảng ủy NHCSXH Trung ương, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng chủ trì buổi họp giao ban.

Phát biểu tại buổi họp giao ban, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, NHCSXH đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng, HĐQT NHCSXH để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống “lao động giỏi, lao động an toàn” trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021.

Đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 247.340 tỷ đồng, tăng 13.914 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 23.467 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,3% tổng nguồn vốn, tăng 3.152 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch năm 2021.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi của Chính phủ.

Tổng doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm đạt 48.217 tỷ đồng, với gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Đến hết tháng 6/2021, tổng dư nợ đạt 240.518 tỷ đồng, tăng 14.321 tỷ đồng ( 6,3%) so với cuối năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 206.386 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2020, hoàn thành 77% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Các đại biểu tham dự giao ban trực tuyến

Nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục hỗ trợ tích cực để các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ người dân khắc phục ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 249.000 lao động, trong đó, 1.600 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 16.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 879.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 3.600 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách...

Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong 6 tháng cuối năm, Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị trong hệ thống tích cực tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư trong giai đoạn mới; trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đẩy mạnh cho vay các chương trình tính dụng chính sách theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, bảo đảm tiến độ, thủ tục quy định, kịp thời hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phấn đấu hoàn thành sớm chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; đặc biệt tập trung triển khai chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh.

Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc chăm lo bảo đảm đời sống để cán bộ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần vào kết quả chung của toàn hệ thống.

Việt Hải - Thùy Trang