In bài viết

Hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng: Đúng, trúng về mặt thời gian và không gian

(Chinhphu.vn) - Chiều 17/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam thông tin định hướng tuyên truyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn.

17/04/2025 16:50
Hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng: Đúng, trúng về mặt thời gian và không gian- Ảnh 1.

Thành phố Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Hợp nhất để mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển

Theo đó, đối với chủ trương sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định, trong lịch sử, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng vốn là một nên việc hợp nhất hai địa phương là rất phù hợp và cần thiết nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới.

Hiện nay, đối với tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, mỗi địa phương đều đang tồn tại những vấn đề, trong đó đối với Đà Nẵng đang đứng trước thách thức với nền kinh tế quy mô nhỏ, GRDP của Đà Nẵng chỉ chiếm 1,5% GDP của cả nước; chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được chú trọng nhưng chưa tạo thành động lực phát triển; vai trò kết nối vùng của Đà Nẵng, đặc biệt là kết nối với Quảng Nam và các địa phương khác ở miền Trung chưa được phát huy đầy đủ.

Đối với Quảng Nam cũng có những hạn chế, với 6 huyện miền núi cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo còn cao, thiên tai bão lũ phức tạp, thường xuyên; hạ tầng còn nhiều tồn tại; chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế, nhất là vùng miền núi, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều).

Như vậy, so sánh giữa hai địa phương, ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương kia. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình mới, kể cả việc điều chỉnh ĐVHC đã trở thành yêu cầu cấp thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển. Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế vốn có của hai địa phương.

Hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng: Đúng, trúng về mặt thời gian và không gian- Ảnh 4.

Du khách đến tham quan phố cổ Hội An - Ảnh: VGP/Nhật Anh

Xây dựng thành phố Đà Nẵng (mới) phải trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam

Từ những bất cập, hạn chế của Quảng Nam và Đà Nẵng hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam khẳng định việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là đúng, trúng về mặt thời gian và không gian; là cơ hội lịch sử; phù hợp về tính văn hóa, lịch sử; đảm bảo cho tương lai nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới.

Tái định vị không gian phát triển tự nhiên về kinh tế, gắn kết lịch sử, văn hóa và địa lý; từ đó, mở rộng tầm nhìn phát triển, hình thành nên thực thể hành chính kinh tế có quy mô đủ lớn, năng lực quản trị đủ mạnh, cạnh tranh cao để hội nhập sâu vào chuỗi giá trị quốc gia cũng như toàn cầu. Hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số, quản lý số, phát triển đô thị thông minh, vùng kinh tế tích hợp và hành chính linh hoạt giúp giao dịch hành chính được xử lý nhanh, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho Nhân dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, phát huy nguồn nhân lực, tài lực vốn có của Đà Nẵng để đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là tại 6 huyện miền núi của Quảng Nam hiện nay. Việc sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng có cơ hội, môi trường, nguồn lực đầu tư cho công tác giữ gìn và phát huy bản sắc con người xứ Quảng trung dũng, kiên cường, sáng tạo gắn với xây dựng con người thành phố hiện đại, giàu bản sắc, nhân văn, sáng tạo, tri thức cao, văn hóa cao, thu nhập cao, quản trị cao, chất lượng sống cao.

Việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng thành thành phố Đà Nẵng (mới) nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế vốn có của cả hai địa phương. Phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng (mới) phải trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Từ những kết quả đã đạt được của 2 địa phương, với những bước đột phá đã triển khai thực hiện và việc hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng là cơ hội, sứ mệnh lịch sử cho việc xây dựng thành phố Đà Nẵng (mới) thành trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực, có tầm nhìn dài hạn. Thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất không chỉ là thành phố đáng sống mà trở thành thành phố tiên phong, sáng tạo, dẫn dắt; thành phố tiếp tục kế thừa những định hướng phát triển, những cơ chế, chính sách đặc thù hiện có để phát triển, xứng tầm quốc gia và quốc tế.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh, cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của đất nước, tỉnh ta đã và đang nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân. Tinh gọn bộ máy, sắp xếp ĐVHC là xu thế thời đại và là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn của đất nước, của địa phương trong việc khắc phục bất cập về thể chế, điểm nghẽn, chống sự lãng phí nguồn lực; yếu kém trong quản lý. Đây là một cuộc cách mạng, chuẩn bị cho "tầm nhìn 100 năm" phát triển đất nước; là tiền đề, điều kiện, cơ sở để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kêu gọi các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong việc thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với cuộc cách mạng quan trọng này.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, về dự kiến tên gọi và địa điểm đặt trung tâm hành chính-chính trị (theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII): Sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành 1 thành phố trực thuộc Trung ương có tên gọi là thành phố Đà Nẵng; địa điểm đặt trung tâm hành chính-chính trị tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Về tên gọi và địa điểm đặt trung tâm hành chính-chính trị là 2 nội dung nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà trong suốt thời gian qua và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bản tổng hợp, đề xuất, kiến nghị. Những đề xuất, kiến nghị của tỉnh ta nói riêng và nhiều tỉnh trong phạm vi cả nước nói chung đã được Trung ương tổng hợp đầy đủ và phân tích thấu đáo.

Tuy nhiên, qua căn cứ các tiêu chí, nguyên tắc về đặt tên gọi, địa điểm đặt trung tâm hành chính-chính trị và bối cảnh, yêu cầu tình hình thực tiễn hiện nay, Trung ương thống nhất dự kiến tên gọi và dự kiến đặt trung tâm hành chính-chính trị đối với 2 địa phương (tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng) như đã nêu trên.

Nhật Anh