Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế tới cuối tháng 10 năm 2023, các nhà đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ có 36 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 974,29 triệu USD. Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ 26/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Các dự án tập trung vào một số lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến, chế tạo có 6 dự án và 963,75 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 98,9%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 2 dự án và 4,78 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 0,5%), giáo dục và đào tạo có 3 dự án và 3,45 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 0,4%), còn lại là một số lĩnh vực khác.
Các dự án FDI của Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện tại 9 địa phương. Dẫn đầu là tỉnh Đồng Nai có 02 dự án và 925,25 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 95%). Đứng thứ hai là tỉnh Phú Yên với 02 dự án và 30,75 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 3,2%). Tiếp theo là TPHCM có 18 dự án và 7,71 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 0,8%) và một số địa phương khác.
Dự án FDI tiêu biểu của Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam là dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2015 tại tỉnh Đồng Nai. Dự án sản xuất và gia công các loại vải mành (vải tirecord).
Hiện Việt Nam mới có 01 dự án đầu tư tại Thổ Nhĩ Kỳ với tổng vốn đăng ký đạt 0,85 triệu USD, đứng thứ 59/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, thời gian qua, tuy quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng giữa hai nước.
Do đó, việc gặp gỡ và chia sẻ giữa doanh nghiệp Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ là hoạt động thiết thực để hai bên có thể giới thiệu, trao đổi và tìm kiếm đối tác, xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả.
Ngoài ra, cần thúc đẩy hợp tác đối với những lĩnh vực Thổ Nhĩ Kỳ có thế mạnh như ngành năng lượng, xây dựng, thương mại, viễn thông, bất động sản, nội thất, thiết bị y tế là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam, từ đó sẽ tạo sự kết nối tốt hơn giữa các doanh nghiệp, mở ra cơ hội hợp tác hiệu quả, phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, hai bên cần phối hợp triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư-thương mại song phương và đề xuất phương hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới. Đặc biệt, các bên cần sớm nghiên cứu, trao đổi để có những văn kiện pháp lý, tạo khuôn khổ hợp tác hiệu quả giữa các nước trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính./.
Minh Ngọc