Sau Hiệp định Paris năm 1973, Australia là một trong số những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trong suốt 50 năm qua, quan hệ Việt Nam-Australia từng bước phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, bền vững và thiết thực bằng việc gia tăng lòng tin chiến lược, chia sẻ lợi ích trong một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, quan hệ kinh tế ngày càng phát triển và giao lưu nhân dân bền chặt. Đặc biệt, hợp tác giáo dục giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng và sâu rộng.
Australia là quốc gia có gần 1.900 tổ chức giáo dục trực tuyến, trong đó có trên 700 công ty công nghệ giáo dục. Với một hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học đẳng cấp quốc tế, khung khổ chính sách chặt chẽ và năng lực nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo dồi dào, ngành công nghệ giáo dục của Australia phát triển mạnh mẽ và tạo ra các chuẩn ngành trên toàn cầu.
Chính vì vậy, Australia là một trong những thị trường giáo dục nước ngoài thu hút nhiều sinh viên Việt Nam nhất. Việt Nam hiện đang là thị trường lớn thứ 4 trong lĩnh vực giáo dục quốc tế tại Australia với 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh theo học tại Australia và hơn 8.000 người Việt theo học bằng cấp của Australia tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thứ hạng này sẽ thay đổi trong thời gian không xa bởi hợp tác giáo dục giữa hai nước đã có những câu chuyện rất thành công như RMIT - một trong những trường đại học quốc tế đầu tiên được Chính phủ Việt Nam cấp phép hoạt động.
Đến nay đã có khoảng 17.000 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp RMIT tại Việt Nam, trong 5 năm gần đây, con số này là 3.000 sinh viên. Hay câu chuyện của Đại học Swinburne - một trong những trường đại học tài trợ cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia rất nổi tiếng tại Việt Nam, rất nhiều quán quân của chương trình này đã chọn Australia, trực tiếp là Bang Victoria để học thạc sĩ, tiến sĩ.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng trở thành điểm đến ngày càng phổ biến của sinh viên Australia tham gia các khóa học ngắn hạn và trao đổi sinh viên theo chương trình "Kế hoạch Colombo mới".
Tính đến nay, có khoảng 50 chương trình liên kết, đào tạo liên thông đang hoạt động, hơn 200 văn kiện hợp tác, nghiên cứu chung giữa các cơ sở đào tạo của hai nước. Hiện nay, trong số hơn 400 chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và nước ngoài, có 37 chương trình giữa 21 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 17 đối tác Australia.
Vào tháng 10/2021, hai nước đã ký thỏa thuận bổ sung Chương trình Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam-Australia giai đoạn 2021-2025, trị giá 50,1 triệu AUD. Mỗi năm cũng đều liên tục thực hiện Chương trình Học bổng Chính phủ cho Việt Nam với khoảng 70 học bổng/năm cho các chương trình đào tạo dài hạn (thạc sĩ, tiến sĩ) và ngắn hạn (sau tiến sĩ, phát triển chuyên môn).
Hợp tác về giáo dục đào tạo giữa hai nước không chỉ giúp cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của mỗi nước mà còn là sợi dây gắn kết văn hoá giữa hai dân tộc, là nhịp cầu hữu nghị giữa hai đất nước.
Thượng nghị sĩ, đồng Bộ trưởng phụ trách Thương mại và Sản xuất Australia Tims Ayres đã chia sẻ tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia vào cuối năm 2022: "Quan hệ Việt Nam-Australia là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của Australia trong khu vực dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân sâu sắc và hợp tác trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu".
Ông cũng cho rằng, hợp tác giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hai nước. Hai bên đang có rất nhiều nỗ lực cụ thể nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này cũng như các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
"Do đó, hợp tác giáo dục giữa hai nước có ý nghĩa không chỉ với từng cá nhân mà còn nhằm tăng cường năng lực cho các thể chế. Chúng ta đều mong muốn nâng cao năng lực và cải thiện hợp tác của cả hai bên. Các cơ sở giáo dục đào tạo của Australia cũng rất mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam", đồng Bộ trưởng phụ trách Thương mại và Sản xuất Australia cho biết.
Bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ Australia là điểm đến yêu thích và thu hút đông đảo du học sinh Việt Nam. Nhiều trường đại học Việt Nam đã và đang triển khai, xây dựng các chương trình đào tạo liên kết với các trường đại học Australia.
"Để nhiều sinh viên Việt Nam có cơ hội học tập tại Australia, ngoài nỗ lực của các trường đại học còn có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ Australia. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những chương trình học bổng Australia dành cho sinh viên Việt Nam trong thời gian qua", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Bộ GD&ĐT luôn trân trọng quan hệ hợp tác giữa Australia và Việt Nam và luôn ủng hộ các trường đại học quốc tế phát triển các cơ sở giáo dục tại Việt Nam. Bộ GD&ĐT đồng thời đánh giá cao những chương trình học bổng của Australia dành cho Việt Nam.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cho giảng viên đại học theo Đề án 89. Australia có nhiều cơ sở giáo dục đại học có chất lượng tốt, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong muốn Đại sứ quán Australia tại Việt Nam có kết nối và Chính phủ Australia hỗ trợ để Việt Nam có thể gửi nhiều giảng viên trẻ sang học tập.
Thứ trưởng hy vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển, mở ra thêm nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ giáo dục của Việt Nam được học tập tại Australia.
Là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Australia, GS.TSKH Trần Văn Nhung – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, lĩnh vực hợp tác giáo dục luôn là mảng trọng tâm trong quan hệ Việt Nam-Australia trong suốt 50 năm qua. Nước bạn đã giúp chúng ta trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực trình độ cao.
Theo GS. Trần Văn Nhung, trong bối cảnh mới, những người làm công tác đối ngoại nhân dân cần tiếp tục phát huy truyền thống về hợp tác giáo dục giữa hai nước nhưng cần mở rộng tầm nhìn, hướng tới hợp tác ở nhiều lĩnh vực thế mạnh khác của cả hai quốc gia.
Đối ngoại nhân dân có vai trò đặc biệt quan trọng và sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn trong quan hệ Việt Nam-Australia, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Hiện nay, cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và công tác tại Australia có khoảng 350.000 người. Tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ 4 tại Australia. Cộng đồng người Australia gốc Việt có nhiều đức tính quý báu là chăm chỉ, tính cộng đồng cao và hướng về giá trị gia đình. Nhiều hội, đoàn người Việt Nam tại Australia được thành lập và hoạt động ngày càng hiệu quả như Hội Doanh nhân Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia…
Bên cạnh đó, có hơn 80.000 cựu sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục Australia hiện đang làm việc tại Việt Nam.
Cộng đồng người Việt tại Australia và cộng đồng những người đã từng học tập và sinh sống tại Australia cần được kết nối với nhau một cách hiệu quả hơn. Những cộng đồng này sẽ là nền tảng hạt nhân để mở rộng phát triển quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Hiện tại, Câu lạc bộ cựu du học sinh Úc tại Việt Nam (VGAC) - tổ chức thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam-Australia đang có những hoạt động tích cực nhằm kết nối cộng đồng những người đã từng học tập tại Úc.
VGAC dự kiến sẽ phối hợp với một số tổ chức đối tác như Austrade và Aus4skill để mở rộng mạng lưới và nâng tầm các hoạt động của mình.
"Tôi đã gặp nhiều thành viên của VGAC là những bạn trẻ, tài năng và tràn đầy nhuệ khí cống hiến. Khi nhìn vào những bạn trẻ đó, tôi thấy được một tương lai tươi sáng của mối quan hệ Việt Nam - Australia, điều này khiến cho tôi vững tâm và tràn đầy hi vọng’, GS. Trần Văn Nhung chia sẻ.
Phương Liên