Tối 9/6, tại Hà Nội, Đại sứ quán Oman tại Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Việt Nam-Oman thiết lập quan hệ ngoại giao (9/6/1992-9/6/2022).
Tại buổi lễ, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trương Quang Hoài Nam, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và Đại sứ Oman tại Việt Nam ông Saleh Mohamed Ahmed Al Saqri cùng bày tỏ vui mừng trước những thành tựu cũng như triển vọng phát triển quan hệ 2 nước ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn.
Nhìn lại chặng đường 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Oman, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng bày tỏ trân trọng trước những thành tựu vượt bậc trong quan hệ chính trị ngoại giao, đặc biệt trong hợp tác kinh tế thương mại song phương giữa 2 nước.
Trong đó, hợp tác kinh tế giữa 2 nước không ngừng được đẩy mạnh và ngày càng đi vào thực chất. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2021 đạt 338,1 triệu USD, tăng 100% so với năm 2020, mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19.
Về hợp tác đầu tư, Quỹ Đầu tư Việt Nam-Oman (VOI) là điểm sáng trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam-Oman, với các dự án đầu tư thành công trong các lĩnh vực thiết yếu như nông nghiệp, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, nhà máy thủy điện, nhà máy xử lý nước sạch.
Được coi là hình mẫu tiêu biểu cho mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước, Quỹ VOI được thành lập và hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ 2 nước từ năm 2008. Từ vốn cam kết ban đầu là 100 triệu USD năm 2009, đến nay, VOI đã giải ngân hơn 300 triệu USD vào các dự án thiết yếu tại Việt Nam.
Ông Nasser Al Harthy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị chia sẻ Quỹ Đầu tư Việt Nam-Oman đã thực hiện hơn 17 khoản đầu tư từ 2011 vào nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế như đường cao tốc, năng lượng tái tạo, nước sạch đô thị, bệnh viện, dược phẩm, trường đại học, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, bất động sản, nông nghiệp…
Các doanh nghiệp và dựa án này đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành then chốt ở Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cải thiện chất lượng cuộc sống hằng ngày của người dân tại nhiều địa phương.
Đáng chú ý, thông qua Liên doanh VOI-CME Solar, Quỹ VOI tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo đồng hành với Chính phủ Việt Nam thực hiện mạnh mẽ cam kết giảm phát thải và giảm hiệu ứng nhà kính-như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu tại Hội nghị COP2.
"Cùng với đối tác đầu tư là Copper Mountain Energy (CME) chúng tôi đã phát triển 140 MWP nhà máy điện mặt trời tại Long An và gần 100 MWP điện mặt trời áp mái để cung cấp năng lượng tái tạo trực tiếp cho hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm tới, chúng tôi hướng tới mục tiêu đạt tổng công suất phát điện trong mảng năng lượng tái tạo đạt tối thiểu 1 GWP tương đương mức đóng góp giảm phác thải hơn 1 triệu tấn CO2 hằng năm", ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Quỹ VOI cho biết.
Tại các vùng trọng điểm về kinh tế và xã hội như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng bằng sông Cửu Long, thông qua các dự án nước sạch được Quỹ VOI và các đối tác địa phương cùng phát triển, hàng triệu m3 nước sạch đã được sản xuất và phân phối tới hàng chục triệu người dân ở nhiều địa phương mỗi ngày và thay thế nguồn nước ngầm ô nhiễm, gây nguy hại cho môi trường, góp phần đảm bảo an ninh nước sạch.
Thùy Dung