Theo đó, để nâng cao năng lực công nghệ nghiên cứu sinh học tại Việt Nam ứng phó với các bệnh truyền nhiễm, Viện Nghiên cứu vi sinh và chống dịch Stanford sẽ hỗ trợ Viện Nghiên cứu Tâm Anh xây dựng hệ thống phòng lab hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford.
Hai bên cùng đồng hành lên kế hoạch chiến lược, thực hiện việc trao đổi kiến thức giữa các nhà khoa học để tiến hành nghiên cứu tổng thể về dịch bệnh do virus gây ra.
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Tâm Anh cho biết, ngay sau lễ ký kết, hai bên sẽ bắt tay cùng nhau sớm thực hiện những dự án quan trọng như xét nghiệm chẩn đoán và điều trị viêm gan D; phát triển thuốc điều trị ung thư liên quan đến cơ chế miễn dịch, thuốc điều trị sốt xuất huyết…
Trong quá trình hợp tác, các nhà nghiên cứu Stanford sẽ chia sẻ, phối hợp chuyên môn cùng Viện Nghiên cứu Tâm Anh. Viện Nghiên cứu Tâm Anh sẽ là nơi để các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu, xét nghiệm, phát triển các thuốc điều trị.
Giáo sư Jeffrey S. Glenn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu vi sinh và chống dịch Stanford cho biết, nếu các phát minh khoa học, sáng kiến đổi mới và sáng tạo từ các phòng nghiên cứu thành công sẽ mang lại lợi ích to lớn cho loài người. Đây cũng là cơ hội để người dân sớm tiếp cận với những phương pháp chữa bệnh mới và tốt trên thế giới.
HM