Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chỉ đạo mở đợt cao điểm đến tháng 4/2024 để gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' của châu Âu. Các biện pháp và giải pháp được đề xuất bao gồm tập trung cao điểm, huy động nguồn lực, và thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chống khai thác IUU theo hướng dẫn của Chính phủ Việt Nam.
Đồng thời, việc nhấn mạnh một số quy định và khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như kiểm soát nguồn lợi thủy sản minh bạch và hợp pháp là những điểm chính để đảm bảo phát triển bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam.
Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) bày tỏ: "Trong chặng đường 20 năm gắn bó với ngành thủy sản, chúng tôi đề cao lĩnh vực đồng quản lý. Theo kinh nghiệm của MCD, đây là phương pháp hiệu quả để tạo điều kiện cho các bên cùng đàm phán, tiếp cận nguồn lực, thúc đẩy công tác bảo tồn biển". Qua buổi trao đổi với Cục Kiểm ngư, bà mong muốn các đại diện quốc tế mở rộng mạng lưới hợp tác với các tổ chức phi chính phủ như MCD.
Từ phía cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đang phối hợp với Việt Nam xây dựng dự án hỗ trợ trang thiết bị cho tàu đánh cá nhỏ. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế, ông kêu gọi các đối tác quốc tế xem xét, lồng ghép hoạt động này của Nhật Bản vào các gói hỗ trợ liên quan về nâng cao năng lực.
Ông Ryan McKean, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh công tác quản lý cơ sở dữ liệu, cho rằng đây là yếu tố chủ chốt để đảm bảo phát triển nguồn lợi thủy sản hiệu quả nhất. Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cam kết hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ, đảm bảo rằng cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều có cơ sở dữ liệu hiệu quả.
"Sự hiểu biết vững về số liệu và dữ liệu thu thập sẽ giúp chúng ta đo lường mức độ thành công của các chương trình và mục tiêu, cũng như xây dựng kế hoạch phát triển bền vững cho nguồn lợi thủy sản. Chúng tôi hiểu rằng việc thu thập dữ liệu, đo lường kết quả không chỉ là vấn đề của Cục mà còn của toàn cộng đồng. Hợp tác mở rộng, tăng cường năng lực thu thập, xử lý, quản lý dữ liệu là chìa khóa để nguồn lợi thủy sản của Việt Nam phát triển bền vững", ông McKean nói.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư nhấn mạnh: "Diễn đàn này là cơ hội để tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài nước. Cục Kiểm ngư kỳ vọng sẽ xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hữu ích giữa các bên liên quan, đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật thủy sản. Với sự hỗ trợ từ quốc tế, chúng tôi mong muốn tạo ra một đội ngũ chuyên gia có kỹ năng và kiến thức đồng đều về thủy sản".
Theo Cục trưởng Nguyễn Quang Hùng, việc triển khai các mô hình cụ thể như quỹ tái tạo và quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng như mô hình đồng quản lý hỗ trợ cộng đồng cư dân ven biển sẽ tạo điều kiện thuận lợi tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Việt Nam đã tham gia các diễn đàn quốc tế về phòng chống IUU và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cùng sự hỗ trợ từ các công cụ của ASEAN và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), đã giúp Cục Kiểm ngư cập nhật kịp thời các thông tin và biện pháp để chống khai thác IUU, đóng góp tích cực vào nỗ lực toàn cầu.
Cụ thể, năm 2016, Hiệp định FAO về thực thi pháp luật thủy sản (PSMA) đã đặt nền tảng vững chắc cho sự hợp tác và đào tạo hiệu quả. Việt Nam sớm gia nhập Hiệp định này vào năm 2018, từ đó nâng cao khả năng giám sát và kiểm soát tại các cảng biển, từ đó ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm từ nguồn gốc không rõ ràng. Chiến dịch truyền thông chống khai thác IUU và tập huấn thông qua cơ chế hợp tác RPOA-IUU là những bước cụ thể để nâng cao ý thức cộng đồng và đào tạo nhân sự chuyên nghiệp.
Thêm vào đó, việc tiến hành thủ tục phê duyệt cho dự án về trang thiết bị thực thi pháp luật do Nhật Bản tài trợ góp phần hiện thực hóa các biện pháp ngăn chặn và tăng cường hệ thống thực thi pháp luật. Tham gia và chủ trì triển khai Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc (UNFSA) cũng đảm bảo quản lý cá di cư và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả.
Đỗ Hương