Ảnh: VGP/Thu Lê |
Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) phối hợp tổ chức, nằm trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam từ ngày 11-13/3 của 50 lãnh đạo cấp cao và đại diện các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản do ông Kobayashi Yoichi, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản-Mekong thuộc JCCI dẫn đầu.
Đây là cơ hội để các DN hai bên có cơ hội tìm hiểu sâu và toàn diện hơn về tình hình, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Đồng thời, gia tăng cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp, trao đổi thông tin và tìm kiếm đối tác hợp tác trong tương lai.
Theo VCCI, trong năm 2017, Nhật Bản là nước có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất vào Việt Nam với 9,11 tỷ USD (chiếm 25,4% tổng vốn FDI). Đây là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều hơn 33,4 tỷ USD trong năm 2017 và Việt Nam cũng là một trong 4 nước được nhận viện trợ không hoàn lại lớn nhất từ quốc gia này.
Theo khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc trong số các quốc gia mà DN Nhật Bản quan tâm đầu tư trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi Đối thoại, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, đánh giá cao mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước; thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển trong những năm qua. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam.
Ông cho rằng việc tăng cường hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và quốc tế là cơ hội cho Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Đáng chú ý, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP đã được ký kết ngày 9/3 vừa qua với những nỗ lực hết mình của các đối tác trong CPTPP là điều kiện thuận lợi, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của thương mại các nước.
“Cùng với CPTPP, xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai nước Việt-Nhật cũng được kỳ vọng đẩy mạnh. Việt Nam có cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu trong các ngành dệt may, da giầy, thuỷ hải sản… Đồng thời, Nhật Bản có vai trò rất quan trọng trong việc đa dạng hoá cơ cấu hàng xuất của Việt Nam theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng tỷ trọng sản phẩm đã qua chế biến, chế tạo có giá trị cao hơn”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Tuy nhiên, để thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản và tận dụng tốt lợi thế của CPTPP, đại diện VCCI cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, nâng cao năng suất lao động, giữ vững cam kết giữa các nhà đầu tư. Đồng thời, tận dụng tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mới như nông nghiệp, du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, vận tải, phân phối…
Ông Ngô Văn Hiệp, đại diện Hiep&Associates Law Firm cho biết, buổi Đối thoại đã tạo ra cơ hội tối cho hợp tác giữa DN hai nước. “Nhật Bản trong nhiều năm là một quốc gia đầu tư hàng đầu vào Việt Nam và khi đó sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề pháp lý, là một công ty luật, tôi cho rằng đây là dịp tốt để chúng tôi gặp gỡ, kết nối và cung cấp những dịch vụ chất lượng cho họ”.
Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn Phú Thái, một trong những tập đoàn hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ chia sẻ, việc lựa chọn các DN Nhật Bản là đối tác của công ty trong nhiều năm qua xuất phát từ những nét tương đồng về văn hoá, yếu tố con người, cũng như điểm mạnh trong uy tín, tính kiên nhẫn, bền bỉ, luôn hỗ trợ đối tác vì mục đích chung của các DN Nhật. Bên cạnh đó, hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hai bên vì vậy, có rất nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ các DN như tổ chức các buổi giao thương, gặp gỡ, tọa đàm kinh tế với tần suất dày đặc, giúp kết nối các DN… “Đó chính là nguyên nhân các dự án hợp tác của chúng tôi với các DN Nhật đạt được nhiều thuận lợi và thành công”, ông Phương cho biết.
Trong lĩnh vực du lịch, theo bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cả Việt Nam và Nhật Bản đều có nhiều điểm hấp dẫn, mới lạ và không trùng lắp, rất thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những hoạt động hợp tác hiện tại chưa tương xứng với tiềm năng đó.
Hiện nay các sản phẩm du lịch, tour tuyến đến Nhật Bản thường tập trung ở Tokyo, Osaka và núi Phú Sĩ, những điểm du lịch đã quá quen thuộc với du khách. Ngoài ra, việc giới thiệu điểm đến mới chỉ dừng ở góc độ địa phương. Vì vậy, cần phải có những cầu nối mạnh mẽ hơn nữa để triển khai các chương trình hợp tác có hiệu quả, phát triển nhiều điểm đến mới để thu hút sự quan tâm của du khách.
“Các hãng hàng không hiện đã mở nhiều chuyến bay nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, hầu hết các chuyến bay đều phải quá cảnh ở Hongkong, Đài Loan, giá vé máy bay còn cao… khiến cho lượng du khách đến Nhật có tăng nhưng không nhiều”.
Mặt khác, khách Nhật Bản đến Việt Nam trong năm 2015-2016 có dấu hiệu giảm và tăng trưởng lại trong năm 2017, tuy nhiên chưa bằng lượng khách cách đây 4-5 năm, vì vậy, bà Hương đề xuất cần có hướng đi mới để hấp dẫn khách du lịch.
Phát biểu tại Đối thoại, Trưởng đoàn DN Nhật Bản, ông Kobayashi Yoichi nhận định, mặc dù có một số vấn đề trong việc phát triển cơ sở hạ tầng nhưng nhờ có sự ổn định về mặt chính trị, sự phát triển kinh tế cũng như chiến lược phát triển kinh tế lâu dài nên trong thời gian tới, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được sự phát triển với tốc độ cao.
Đoàn công tác của JCCI lần này gồm 30 người đại diện cho các DN Nhật Bản hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Thương mại sản xuất, hàng không, IT, tài chính, tư vấn… Giới DN Nhật đánh giá Việt Nam là một thị trường hấp dẫn nhờ lợi thế dân số gần 100 triệu người, sự gia tăng thu nhập trung bình, thay đổi thói quen tiêu dùng, cơ cấu dân số trẻ và sự phát triển kinh tế tốc độ cao. Ông bày tỏ kỳ vọng buổi Đối thoại sẽ góp phần thúc đẩy sự thấu hiểu giữa giới kinh doanh của hai nước và tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.
Thu Lê