In bài viết

Hợp tác Việt Nam-Thái Lan hướng tới thập kỷ thứ 5

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thống nhất đề ra định hướng hợp tác lớn trong thời gian tới nhằm làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa tính hiệu quả của quan hệ đối tác chiến lược hai nước, hướng tới thập kỷ thứ 5 trong quan hệ song phương.

24/07/2015 13:09

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tại Lễ đón Đoàn đại biểu Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (ngày 23/7) theo lời mời của Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy, củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan trên các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động; thúc đẩy hợp tác giữa hai nước tại các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng.

Cuộc họp Nội các chung đầu tiên đề ra định hướng hợp tác lớn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội đàm hẹp với Thủ tướng Prayut Chan-ocha; cùng các thành viên Chính phủ hai nước tiến hành cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3, kỳ họp Nội các chung đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (tháng 6/2013).

Trao đổi ý kiến sâu rộng và đạt nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Thái Lan, hai Thủ tướng nhất trí cho rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu, thể hiện rõ tinh thần đối tác chiến lược với hiệu quả và tầm quan trọng ngày càng tăng của các nội dung hợp tác.

Trên cơ sở đó, hai Thủ tướng đã thống nhất đề ra những định hướng hợp tác lớn trong thời gian tới nhằm làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa tính hiệu quả của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan, hướng tới thập kỷ thứ 5 trong quan hệ song phương.

Về chính trị, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp; thực hiện tốt Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2014-2018; phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác như họp Nội các chung, Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương (JCBC), họp hẹp cấp Ngoại trưởng, Nhóm Công tác chung về Hợp tác Chính trị-An ninh (JWG/PSC); phối hợp chặt chẽ trong tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2016).

Về quốc phòng và an ninh, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương; sớm thiết lập và triển khai hoạt động các Cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Bí thư Thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan, Cơ chế đối thoại an ninh cấp cao giữa Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan…

Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc cam kết không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này thực hiện các hoạt động chống phá nước kia.

Thành viên Nội các Việt Nam, Thái Lan. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về kinh tế, hai nước nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỉ USD vào năm 2020.

Hai bên nhất trí tăng cường đầu tư của các ngành Thái Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, đặc biệt là du lịch biển, công nghiệp dệt may, da giày; sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí chế tạo; nhất trí tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực lao động, văn hóa, thể thao, giáo dục, thủy sản, khoa học công nghệ và kết nối; trong đó có việc phối hợp mở dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định giữa hai nước, hợp tác vận tải biển ven bờ giữa Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để bảo đảm cho ngư dân hai nước không vi phạm trong đánh bắt hải sản, đồng thời phối hợp giải quyết các vi phạm của ngư dân trên tinh thần hữu nghị, hợp tác…

Cam kết hợp tác với các nước Đông Nam Á trong các vấn đề khu vực

Trao đổi sâu rộng các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm, hai Thủ tướng khẳng định lại quan điểm đã được nêu trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 26 tại Kuala Lumpur, Malaysia (tháng 4/2015); khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác nhằm thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và giai đoạn tiếp theo, đồng thời duy trì vai trò lãnh đạo và trung tâm của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực.

Hai bên cũng chia sẻ quan ngại về diễn biến gần đây tại Biển Đông, làm ảnh hưởng đến sự tin cậy và lòng tin cũng như hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như  an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Lễ ký Tuyên bố chung về cuộc họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư Thái Lan

Tại Đối thoại Doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực và  đã có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt đã lập quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia, trong đó có Thái Lan.

Thủ tướng cho biết hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng... nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Thái Lan.

Khẳng định Việt Nam rất coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Thái Lan và nước ngoài nói chung đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam. Việt Nam luôn coi thành công của nhà đầu tư Thái Lan cũng chính là thành công của Việt Nam.

Nguyễn Hoàng