In bài viết

Hướng dẫn chế độ BHXH cho lao động dôi dư

(Chinhphu.vn) - BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH theo Nghị định số 63/2015/NĐ-CP  của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu và Thông tư số

12/01/2016 10:02

Được Nhà nước đóng BHXH 1 lần để hưởng lương hưu

Đối với trường hợp người lao động thuộc diện dôi dư đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 50 của Luật BHXH năm 2006 (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu trước ngày 1/1/2016) hoặc theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 54 của Luật BHXH 2014 (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 trở về sau) còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng BHXH một lần cho số tháng còn thiếu để giải quyết chế độ hưu trí theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP thì thực hiện thu BHXH bổ sung một lần cho những tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí, tử tuất theo quy định.

Mức đóng BHXH cho số tháng còn thiếu bằng 22% tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi người lao động nghỉ việc nhân với số tháng còn thiếu.

Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi

Căn cứ hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ hưu trí theo quy định gồm sổ BHXH, quyết định nghỉ việc của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền và danh sách người nghỉ hưu đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Mẫu số 6 hoặc Mẫu số 7 ban hành kèm theo Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH) do đơn vị sử dụng lao động chuyển đến để giải quyết chế độ hưu trí đối với người lao động, cụ thể như sau:

Đối với người nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Tiết a, Khoản 6, Điều 3 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH thì chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định hiện hành nhưng không có điều kiện về Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa và không phải trừ tỷ lệ lương hưu do về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 2, Điều 52 Luật BHXH 2006 và Khoản 3, Điều 56 Luật BHXH 2014.

Thời điểm hưởng lương hưu tính từ tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu trước tuổi ghi trong quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí do người sử dụng lao động lập.

Đối với người đã đủ tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa không quá 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Tiết b, Khoản 6, Điều 3 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH thì thời điểm hưởng lương hưu hàng tháng được tính từ tháng đóng đủ BHXH cho số tháng còn thiếu.

Trong thời gian từ khi nghỉ việc đến tháng đóng BHXH đủ 20 năm mà người lao động chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành đối với người tham gia đóng BHXH.

Trường hợp được bảo lưu thời gian đóng BHXH

Đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại Công ty thuộc diện thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Khoản 4, Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP thì thời gian đã đóng BHXH được bảo lưu trên sổ BHXH để hưởng các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH.

Chinhphu.vn