Ông An cũng muốn biết khi thành lập doanh nghiệp, người đăng ký kinh doanh có bắt buộc phải kinh doanh hết tất cả các lĩnh vực như trên hay có thể chỉ hoạt động một trong các ngành, nghề trên cho thời gian đầu?
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề nêu trên như sau:
Theo quy định tại Điều 7, Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì: “Căn cứ vào Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, người thành lập doanh nghiệp tự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và ghi mã ngành, nghề kinh doanh vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu và ghi ngành, nghề kinh doanh, mã số ngành, nghề kinh doanh vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
Việc đăng ký ngành, nghề được thực hiện theo mã ngành cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động của ngành nghề kinh doanh được quy định cụ thể tại Quyết định số 337/2007/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với ngành, nghề không được quy định tại Danh mục ngành nghề kinh tế Việt Nam, nhưng được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành thì đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành và không ghi mã ngành trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh .
Đối với ngành, nghề pháp luật chuyên ngành yêu cầu có chứng chỉ hành nghề thì đăng ký ngành, nghề theo lĩnh vực được phép hoạt động ghi trên chứng chỉ hành nghề và không ghi mã ngành trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh.
Đối với ngành, nghề không có trong danh mục ngành, nghề kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại văn bản pháp luật chuyên ngành thì đăng ký theo yêu cầu và không ghi mã ngành trong Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh.
Trường hợp ông Dương Văn An khi lập hồ sơ cần ghi ngành, nghề cần đăng ký vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tương ứng mã ngành, nghề cấp 4 trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg. Các ngành chi tiết hơn ngành, nghề cấp 4 thì doanh nghiệp ghi chi tiết ngay dưới ngành cấp 4 nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành nghề cấp 4 đã chọn và doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong phạm vi ngành nghề chi tiết đã ghi. Các ngành, nghề mà ông An dự định kinh doanh được ghi như sau:
- Vận tải hành khách đường bộ khác (4932). Vận tải hàng hóa bằng đường bộ (4933).
- Đại lý du lịch (7911); Đại lý điều hành tua du lịch (7912); Dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch (7920); Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải (5229), chi tiết: Đại lý bán vé máy bay.
- Sản xuất đồ kim hoàn và chi tiết liên quan (3211); Buôn bán kim loại và quặng kim loại (4662), chi tiết: Buôn bán vàng, bạc và kim loại quý khác.
- Hoạt động cấp tín dụng khác (6492), chi tiết: Dịch vụ cầm đồ.
Hồ sơ, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được quy định cụ thể cho từng loại hình doanh nghiệp. Ông cần tham khảo các Điều 19, Điều 20, Điều 21 Nghị định 43/2010/NĐ-CP.
Sau khi đăng ký doanh nghiệp, tùy theo từng thời điểm, điều kiện vốn, cung cầu thị trường, chiến lược kinh doanh… doanh nghiệp có thể lựa chọn, tập trung vào một vài ngành, nghề trong số ngành nghề đã đăng ký để kinh doanh có hiệu quả nhất.
Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam gồm 5 cấp: - Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hoá theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U; - Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hoá bằng hai số theo từng ngành cấp 1 tương ứng; - Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hoá bằng ba số theo từng ngành cấp 2 tương ứng; - Ngành cấp 4 gồm 437 ngành; mỗi ngành được mã hoá bằng bốn số theo từng ngành cấp 3 tương ứng; - Ngành cấp 5 gồm 642 ngành; mỗi ngành được mã hoá bằng năm số theo từng ngành cấp 4 tương ứng. (Theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg) |
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật