Ngày 19/4 tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp với Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam của JICA (JICA SPI-NDC) tổ chức Hội thảo kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải.
Theo thống kê của Bộ TN&MT cả nước có 1.322 cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, bao gồm 381 lò đốt chất thải rắn, 37 dây chuyền sản xuất phân bón và 904 bãi chôn lấp. Các nguồn phát thải chính đến từ các bãi chôn lấp (50,3%) và từ việc xử lý nước thải là 43,2%. Các hoạt động xử lý rác nếu được tổ chức hiệu quả sẽ trực tiếp giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia.
Có thể thấy, rác thải là một trong năm nguồn phát thải khí nhà kính chính của Việt Nam với lượng phát thải khoảng 31.3 triệu tấn CO2 tương đương trong năm 2020. Đến năm 2030, dự kiến lượng khí thải từ lĩnh vực này sẽ tăng lên khoảng 40 triệu tấn CO2 tương đương nếu như không có hành động nào được thực hiện theo kịch bản phát triển thông thường. Theo đánh giá, các hoạt động xử lý rác được tổ chức hiệu quả sẽ trực tiếp giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Nguyễn Tuấn Quang cho biết: "Theo các quy định văn bản pháp luật, các doanh nghiệp sẽ phải tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và xây dựng báo cáo kiểm kê định kỳ 2 năm/lần từ năm 2024 trở đi, cũng như phải thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ năm 2023-2025 phù hợp với điều kiện kinh doanh của cơ sở. Do vậy ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải xây dựng các biện pháp giảm nhẹ, có lộ trình đầu tư công nghệ trước khi chính thức phải thực hiện từ năm 2026".
Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8% và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% (so với kịch bản phát triển thông thường BAU).
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng trong lĩnh vực chất thải, cần có sự chung tay của người dân thông qua các chính sách tiếp cận, nhưng trước tiên, điều quan trọng là mỗi cơ sở phát thải cần phải biết được lượng phát thải và xây dựng được một kế hoạch giảm thải khí nhà kính cho mình.
Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra các yêu cầu về kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính với các doanh nghiệp.
Sau đó Quyết định 01/2022/QĐ-TTg đã đưa ra danh sách các đơn vị sẽ phải thực hiện nghĩa vụ này, tiếp theo là Thông tư 17/2022/TT-BTNMT của Bộ TN&MT ban hành ngày 15/11/2022 quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải. Do vậy, để triển khai thực hiện các quy định trên, các doanh nghiệp phải thực hiện công tác kiểm kê, đo đạc khí nhà kính trong hoạt động quản lý chất thải.
Theo ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng Dự án JICA SPI-NDC, các cơ quan có liên quan cần thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp hiểu, cập nhật và thực hiện các nghĩa vụ được quy định tại các văn bản, pháp luật trên cũng như thực hiện NDC, trong đó lĩnh vực rác thải được coi là lĩnh vực quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Koji Fukuda cũng cho rằng, đây là những vấn đề mới, do vậy doanh nghiệp cần được tập huấn về kiểm kê khí nhà kính để nắm bắt được các quy định một cách có hiệu quả, cũng như cách tính toán, biểu mẫu, đo đạc khí nhà kính và các giải pháp quản lý nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Tại hội thảo các chuyên gia của dự án JICA SPI-NDC trình bày các quy định mới liên quan đến doanh nghiệp về kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các mô hình điển hình về giảm phát thải khí nhà kính, cũng như hướng dẫn cho hơn 200 doanh nghiệp tính toán kiểm kê khí nhà kính và công cụ tính toán theo Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT.
Thu Cúc