In bài viết

Hướng dẫn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

(Chinhphu.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (tiểu dự án 1 Dự án 3) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

06/04/2022 15:25
Hướng dẫn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp

Dự thảo nêu rõ, đối tượng hỗ trợ là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm thoát nghèo), người khuyết tật (không có sinh kế ổn định, có khả năng lao động) trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Điều kiện hỗ trợ được đề xuất cụ thể như sau: 1- Hộ tham gia dự án phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, lao động và tư liệu sản xuất đáp ứng nội dung của dự án và cam kết thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký; 2- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương; 3- Không gây ô nhiễm môi trường.

Nội dung hỗ trợ dự án phát triển sản xuất nông nghiệp

Theo dự thảo, đối với dự án trồng trọt: Hỗ trợ tập huấn, tư vấn kỹ thuật và quản lý sản xuất, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị, nông cụ, dụng cụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Dự án chăn nuôi: Hỗ trợ tập huấn, tư vấn kỹ thuật và quản lý sản xuất, giống, chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, vaccine tiêm phòng, công cụ, dụng cụ sản xuất.

Dự án lâm nghiệp: Hỗ trợ tập huấn, tư vấn kỹ thuật và quản lý sản xuất, lần đầu giống cây lâm nghiệp theo quy trình trồng rừng sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.

Dự án ngư nghiệp (khai thác): Hỗ trợ tập huấn, tư vấn kỹ thuật và quản lý sản xuất, hỗ trợ hầm bảo quản; ngư cụ đánh bắt.

Dự án nuôi trồng thủy sản: Hỗ trợ tập huấn, tư vấn kỹ thuật và quản lý sản xuất, hỗ trợ giống, thức ăn, vaccine, công cụ, dụng cụ sản xuất, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản.

Dự án diêm nghiệp: Hỗ trợ tập huấn, tư vấn kỹ thuật và quản lý sản xuất, vật tư, công cụ, dụng cụ trong sản xuất, chế biến muối.

Đối với dự án sản xuất lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp theo đề xuất trên.

Bên cạnh đó, tập huấn sản xuất nông nghiệp sinh thái đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, bảo quản, chế biến nhằm giảm thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm; gắn kết tiêu dùng, tiêu thụ thực phẩm giàu dinh dưỡng nhằm giảm thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm; tập huấn và xây dựng liên kết giữa hộ gia đình, tổ nhóm cộng đồng với các tác nhân khác trong sản xuất, chế biến, cung ứng và tiêu thụ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; hỗ trợ các thiết bị, trong chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm để gia tăng giá trị nông sản, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn