Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 về thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện khi đi công tác và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, bà Nguyễn Thị Huyền (Quảng Trị) thanh toán công tác phí cho cán bộ công chức theo cách tính khoảng cách địa giới hành chính là số km từ cơ quan đến nơi công tác bao gồm cả lượt đi và lượt về.
Tuy nhiên qua thẩm định quyết toán năm 2019, cơ quan tài chính cùng cấp không chấp thuận với lý do chỉ được tính khoảng cách địa giới hành chính một lượt đi, không tính lượt về. Bà Huyền hỏi, cách tính khoảng cách địa giới hành chính như thế nào là đúng theo quy định?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 22/4/2019 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BTC ngày 22/4/2019 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP; trong đó:
Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP, thì đối với đối tượng không có tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác nhưng trường hợp cần thiết do yêu cầu công tác, thủ trưởng cơ quan đơn vị quyết định bố trí xe ô tô phục vụ công tác chung hoặc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê dịch vụ xe ô tô khi đi công tác. Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, thuê dịch vụ xe ô tô thực hiện theo quy định tại Điều 22, Điều 23 Nghị định này; trong đó quy định hình thức và mức khoán kinh phí gồm: Khoán theo km thực tế và theo hình thức khoán gọn; đơn giá khoán phù hợp với đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường.
Khoản 7 Điều 22 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP quy định: “7. Căn cứ quy định tại Nghị định này và điều kiện thực tế của cơ quan tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực HĐND cấp tỉnh), Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tập đoàn kinh tế quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định:
a) Việc áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô của các chức danh quy định tại Khoản 1 và trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
b) Hình thức và công đoạn thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho các chức danh.
c) Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng cho từng chức danh hoặc từng nhóm chức danh phù hợp với từng thời kỳ”.
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị, công tác phí quy định:
“Căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, căn cứ tính chất công việc của chuyến đi công tác và trong phạm vi nguồn kinh phí được giao; thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét duyệt cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được đi công tác bằng phương tiện máy bay, tàu hỏa, xe ô tô hoặc phương tiện công cộng hoặc các phương tiện khác bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả”.
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 quy định khoán tiền tự túc phương tiện đi công tác như sau:
“b) Đối với cán bộ, công chức, viên chức không có tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác, nhưng nếu đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10 km trở lên (đối với các xã thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và từ 15 km trở lên (đối với các xã còn lại) mà tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm đi công tác và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị”.
Theo các quy định nêu trên, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ vào tính chất công việc của chuyến đi công tác để xem xét, quyết định duyệt phương tiện đi lại cho người được cử đi công tác; bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.
Trường hợp người đi công tác tự túc phương tiện cá nhân để đi công tác và được thanh toán tiền tự túc phương tiện đi công tác, thì số “km” được thanh toán khoán theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 40/2017/TT-BTC là khoảng cách từ trụ sở cơ quan đến nơi đến công tác tính theo địa giới hành chính bao gồm cả lượt đi và lượt về, phù hợp với hành trình công tác và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Đơn giá khoán bảo đảm tiết kiệm, tối đa không quá mức quy định tại Điều 22 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 22/4/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Chứng từ thanh toán tiền công tác phí bảo đảm theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính.