Ngày 07/7/2014, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 95/2014/TT-BQP hướng dẫn thi hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.
Qua hơn 8 năm triển khai thực hiện, Thông tư số 95/2014/TT-BQP đã cơ bản đáp ứng yêu cầu trong việc hướng dẫn thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc Bộ Quốc phòng; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và công tác xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Nghị định số 120/2013/NĐ-CP còn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần khắc phục cho phù hợp với công tác xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Quốc phòng như: (1) Việc chưa có hướng dẫn thế nào là hành vi "gian dối" sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ, nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; (2) không có hướng dẫn về các hành vi không đăng ký di chuyển nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Nghị định số 13/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự; (3) chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất quốc phòng sau khi Điều 29 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP quy định về "Vi phạm quy định về lấn, chiếm đất quốc phòng, đất ở, nhà ở do Quân đội quản lý" đã bị bãi bỏ bởi Nghị định số 102/2014/NĐ-CP; (4) chưa có hướng dẫn về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, trong khi thực tế hành vi này đang diễn ra rất phổ biến; bên cạnh đó, hiện nay đã có rất nhiều văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính mới được ban hành có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể, nên khó khăn trong quá trình thực hiện.
Do đó, để thuận tiện trong quá trình áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nói chung, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ, thì cần ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 95/2014/TT-BQP.
Từ những lý do trên, việc xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu để thay thế Thông tư số 95/2014/TT-BQP là cần thiết.
Một số nội dung mới
Theo đề nghị của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc Bộ Quốc phòng và trên cơ sở quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, dự thảo Thông tư bổ sung, hướng dẫn một số hành vi mới, cụ thể như sau:
Bổ sung hướng dẫn khi nào được coi là có "Lý do chính đáng" quy định tại các khoản 8, khoản 9, khoản 12 và khoản 13 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Hướng dẫn xử phạt hành vi "không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung", "không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập", "không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng" quy định tại Nghị định số 37/2022/NĐ-CP để bảo đảm thống nhất với quy định tại Nghị định số 13/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Hướng dẫn xử phạt hành vi "gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ" theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến đất quốc phòng; tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ quy định tại khoản 46 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.
Tuyết Hoa