Ảnh minh họa |
Theo Thông tư, có 5 đối tượng trẻ em được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đối tượng 1 là trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng 2 là trẻ em mẫu giáo 3 đến 5 tuổi dân tộc rất ít người đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng 3 là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.
Đối tượng 4 là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non không thuộc đối tượng 3 có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước. Chuẩn nghèo được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ.
Đối tượng 5 là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.
Tương ứng từng đối tượng sẽ có chính sách hỗ trợ khác nhau. Cụ thể, đối tượng 1 được hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT- BGDĐT-BTC ngày 15/7/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi. Theo đó, mức hỗ trợ là 120.000 đồng/tháng/cháu.
Đối tượng 2 thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/1/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người. Theo đó, mức hỗ trợ bằng 30% mức lương tối thiểu chung/trẻ/tháng.
Đối tượng 3, 4 và 5 được hỗ trợ ăn trưa là 120.000 đồng/tháng/trẻ và được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Mỗi trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ tối đa trong 3 năm học. Năm học được hưởng là năm học mà trẻ đạt đến 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi theo giấy khai sinh.
Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được cấp theo số tháng thực học, tối đa 9 tháng/năm học và thực hiện 2 lần trong năm: lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm.
Thông tư cũng nêu rõ, có hai phương thức chi hỗ trợ. Một là cơ sở giáo dục mầm non giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ (khuyến khích cơ sở giáo dục mầm non tổ chức nấu ăn tập trung cho trẻ); Hai là chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ, người nhận nuôi).
Hỗ trợ đối với giáo viên mầm non
Thông tư này cũng quy định cụ thể việc hỗ trợ đối với giáo viên. Theo đó, có 3 đối tượng giáo viên mầm non được nhà nước hỗ trợ. Đó là giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt) ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Các giáo viên này được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, được nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn (do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và khi có thông báo nghỉ hưu) theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; được đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định…
Đối với giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, cơ sở giáo dục mầm non dân lập thực hiện ký kết hợp đồng lao động đối với giáo viên theo quy định của Bộ Luật Lao động, Trường hợp cơ sở giáo dục mầm non dân lập có nguồn thu theo quy định để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho giáo viên thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ thì ngân sách nhà nước hỗ trợ để đảm bảo bằng mức lương tối thiểu vùng.
Đối với giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đang công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, sẽ được nhà nước hỗ trợ tài liệu, thiết bị và chi phí tập huấn khác (nếu có) khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập, dân lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Thông tư liên tịch này chính thức có hiệu lực từ ngày 25/4/2013. Chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non được tính hưởng kể từ ngày 1/1/2012. Đối với trẻ mầm non thì chính sách hỗ trợ được tính hưởng từ ngày 1/9/2012.
Thùy Trang