In bài viết

Hướng dẫn thực hiện thủ tục xác định mức độ khuyết tật

(Chinhphu.vn) - Ông Trần Danh Tiến (Quảng Ninh) hỏi, thủ tục xác định mức độ khuyết tật thực hiện như thế nào?

26/12/2023 07:02

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh trả lời vấn đề này như sau:

Thủ tục xác định mức độ khuyết tật gồm 4 bước được quy định cụ thể tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 2/1/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện:

Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật

Khi có nhu cầu xác định, xác định lại mức độ khuyết tật thì người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm hồ sơ gửi Chủ tịch UBND cấp xã nơi cư trú theo quy định của pháp luật. Hồ sơ gồm:

1. Đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật theo Mẫu.

2. Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật và các giấy tờ có liên quan khác.

Ngoài ra, khi nộp hồ sơ cần xuất trình các giấy tờ sau để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong đơn:

– Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của đối tượng, người đại diện hợp pháp;

– Giấy khai sinh đối với trẻ em;

– Sổ hộ khẩu của đối tượng, người đại diện hợp pháp.

Bước 2: Chủ tịch Hội đồng họp và xem xét, đánh giá mức độ khuyết tật

Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị, Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm:

– Gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học;

– Triệu tập các thành viên, gửi thông báo về thời gian và địa điểm xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ;

– Tổ chức đánh giá dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật theo phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội quy định tại Phiếu xác định mức độ khuyết tật và các phương pháp đơn giản khác để xác định dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật; lập hồ sơ, biên bản kết luận dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật;

– Lập Biên bản họp Hội đồng ghi theo Mẫu.

Lưu ý:

– Việc thực hiện xác định mức độ khuyết tật được tiến hành tại UBND cấp xã hoặc Trạm y tế. Trường hợp người khuyết tật không thể đến được địa điểm quy định trên thì Hội đồng tiến hành quan sát và phỏng vấn người khuyết tật tại nơi cư trú của người khuyết tật.

– Trường hợp Hội đồng không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng hoặc có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng không khách quan, chính xác thì Hội đồng chuyển hồ sơ lên Hội đồng Giám định y khoa theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Niêm yết, thông báo công khai kết luận

Đối với trường hợp do Hội đồng thực hiện, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản kết luận của Hội đồng về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, Chủ tịch UBND cấp xã niêm yết, thông báo công khai kết luận của Hội đồng tại trụ sở UBND cấp xã và cấp Giấy xác nhận khuyết tật.

Đối với trường hợp do Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết luận của Hội đồng Giám định y khoa, Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật.

Bước 4: Cấp giấy xác nhận khuyết tật

Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính của người khuyết tật;

b) Địa chỉ nơi cư trú của người khuyết tật;

c) Dạng khuyết tật;

d) Mức độ khuyết tật.

Đăng Khôi