Ông Dương Công Hiếu (Lạng Sơn) làm việc tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện.
Trong năm 2020, Ban quản lý dự án đã ký một số hợp đồng tư vấn quản lý dự án với chủ đầu tư là UBND cấp xã, đối với các công trình có nguồn vốn là vốn đầu tư phát triển Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngân sách Trung ương.
Sau khi ký hợp đồng tư vấn quản lý dự án, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đã ban hành quyết định phân công viên chức (đủ năng lực) để quản lý các dự án đó. Trong quyết định phân công nhiệm vụ của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện có phân công nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền lợi của các viên chức (theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị).
Sau khi công trình hoàn thành, một số công trình đã được UBND huyện phê duyệt quyết toán hoàn thành công trình trong năm 2020 và UBND các xã đã chuyển tiền quản lý dự án cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện trong năm 2020 vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước huyện.
Một số công trình hoàn thành đã được UBND huyện phê duyệt quyết toán hoàn thành công trình vào tháng 1/2021 và UBND các xã đã chuyển tiền quản lý dự án cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện vào tháng 1/2021.
Ông Hiếu hỏi, chi phí quản lý dự án do chủ đầu tư là UBND các xã đã chuyển khoản cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện vào tài khoản nêu trên trong năm 2020 và tháng 1/2021; thì đến tháng 7/2021, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện có được chi trả chi phí cho các viên chức theo quyết định phân công nhiệm vụ của năm 2020 không? Trường hợp không chi trả được thì quy định tại văn bản nào?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Tại Khoản 13 Điều 1 Thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/1/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; trong đó, sửa đổi Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 72/2017/TT-BTC như sau:
“2. Thực hiện dự toán thu, chi:
a) Đối với các nguồn thu: Ban quản lý dự án quản lý các nguồn thu theo tình hình thực tế trong năm của đơn vị. Tùy điều kiện cụ thể của nguồn thu và nhiệm vụ thực hiện tương ứng theo từng dự án, Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm xác định:
- Nguồn thu được sử dụng trong năm (khoản để sử dụng, bảo đảm dự toán chi thường xuyên trong năm);
- Nguồn thu chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng (khoản thu chưa thực hiện nhiệm vụ hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ trong năm).
b) Đối với kinh phí chi hoạt động thường xuyên, trong quá trình thực hiện, căn cứ dự toán chi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban quản lý dự án thực hiện chi theo các nội dung tại Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 72/2017/TT-BTC và được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư này cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Kết thúc năm ngân sách, Ban quản lý dự án xác định các khoản chi theo dự toán chưa thực hiện hoặc chưa chi hết để chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng”.
Như vậy, theo quy định nêu trên, căn cứ vào nguồn thu của Ban quản lý dự án và kinh phí chi hoạt động thường xuyên của đơn vị; kết thúc năm ngân sách, Ban quản lý dự án xác định các khoản chi theo dự toán chưa thực hiện hoặc chưa chi hết để chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.
Việc lập, phê duyệt dự toán thu, chi quản lý dự án năm sau theo Mẫu số 02/DT- QLDA, Mẫu số 05/DT-QLDA và Mẫu số 02/QĐ-QLDA ban hành kèm theo Thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/1/2019 của Bộ Tài chính.
Ban Quản lý dự án thực hiện dự toán thu, chi phí quản lý dự án năm sau theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/1/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi Điểm a, Điểm b, Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 72/2017/TT-BTC.
Do vậy, trường hợp tại Quyết định phê duyệt dự toán chi quản lý dự án năm 2021 được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn dự toán chi năm 2021 để chi trả chi phí cho các viên chức theo quyết định phân công nhiệm vụ của Ban quản lý dự án trong năm 2020, thì Ban quản lý dự án thực hiện thanh toán chi trả các khoản chi phí này là phù hợp.