In bài viết

Hướng dẫn về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 03/2025/TT-BTC hướng dẫn về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản; quy định việc thu, chi, quản lý và sử dụng tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá, tiền đặt trước của người tham gia đấu giá không được nhận lại theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

07/02/2025 10:45
Hướng dẫn về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản- Ảnh 1.

Hội đồng đấu giá tài sản được người có tài sản đấu giá bảo đảm kinh phí để tổ chức đấu giá tài sản.

Thông tư quy định rõ về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.

Theo đó, việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ giá dịch vụ đấu giá tài sản, chi phí đấu giá tài sản, tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá và các khoản thu khác (nếu có) được quy định như sau:

Thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và pháp luật có liên quan trong trường hợp tổ chức hành nghề đấu giá tài sản là Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.

Thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp trong trường hợp tổ chức hành nghề đấu giá tài sản là doanh nghiệp đấu giá tài sản.

Thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về các tổ chức tín dụng trong trường hợp tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu tự đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Đấu giá tài sản.

Chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản của Hội đồng đấu giá tài sản

Hội đồng đấu giá tài sản được người có tài sản đấu giá bảo đảm kinh phí để tổ chức đấu giá tài sản.

Căn cứ nội dung chi, mức chi quy định dưới đây, Hội đồng đấu giá tài sản có trách nhiệm báo cáo người có tài sản đấu giá về kinh phí tổ chức đấu giá tài sản để tổng hợp chung vào dự toán chi phí xử lý tài sản của người có tài sản đấu giá, trên cơ sở đó, người có tài sản đấu giá phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán chi phí tổ chức đấu giá tài sản trong dự toán chi phí xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.

Nội dung chi gồm: a) Chi phí niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá tài sản; b) Chi phí tổ chức cho người tham gia đấu giá xem tài sản; c) Chi phí tổ chức phiên đấu giá (bao gồm chi phí thuê địa điểm tổ chức đấu giá tài sản trong trường hợp không bố trí được địa điểm đấu giá, chi phí thuê máy móc, thiết bị, chi phí thuê bảo vệ phiên đấu giá; chi phí thuê Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến để tổ chức phiên đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến…); d) Chi phí lập, tổ chức bán hồ sơ mời tham gia đấu giá; đ) Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện đấu giá tài sản.

Mức chi: Đối với các nội dung chi đã có tiêu chuẩn, định mức, chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định.

Đối với các nội dung chi thuê ngoài thì thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa người có tài sản đấu giá với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ. Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với các nội dung chi ngoài phạm vi quy định nêu trên thì Hội đồng đấu giá tài sản báo cáo người có tài sản đấu giá quyết định mức chi, bảo đảm phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản của người có tài sản đấu giá

Theo Thông tư, nguồn kinh phí chi cho việc đấu giá tài sản gồm: Dự toán ngân sách nhà nước giao cho người có tài sản đấu giá trong trường hợp phải nộp toàn bộ tiền thu được từ đấu giá vào ngân sách nhà nước. Việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí chi cho việc đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Tiền thu được từ đấu giá tài sản trong tài khoản tạm giữ (bao gồm cả tiền bán hồ sơ mời tham gia đấu giá đối với trường hợp thành lập Hội đồng đấu giá tài sản, tiền đặt trước của người tham gia đấu giá không được nhận lại theo quy định tại khoản 6 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản) trong trường hợp phải nộp toàn bộ tiền thu được từ đấu giá tài sản vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước do cơ quan thành lập Hội đồng đầu giá tài sản làm chủ tài khoản hoặc tài khoản tạm giữ của cơ quan, đơn vị được cơ quan, người có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm chủ tài khoản tạm giữ và được trừ chi phí xử lý tài sản trước khi nộp vào ngân sách nhà nước…

Người có tài sản đấu giá có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn kinh phí quy định nêu trên hoặc đề nghị cơ quan, đơn vị được cơ quan, người có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm chủ tài khoản tạm giữ để thanh toán các nội dung chi cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản hoặc Hội đồng đấu giá tài sản theo quy định hoặc chi phí cho tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định.

Khánh Linh