Ảnh mang tính chất minh họa |
Dự thảo Thông tư đã có nhiều quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động, trách nhiệm vật chất… nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động giúp việc gia đình.
Cụ thể, theo nội dung hợp đồng lao động, người lao động tự lo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì việc trả tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật cũng phải được ghi rõ vào hợp đồng lao động. Trong đó, ghi rõ số tiền, kỳ hạn trả (cùng với thời hạn trả lương theo quy định) và hình thức trả.
Bên cạnh đó, hợp đồng cũng phải ghi rõ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động giúp việc gia đình. Cụ thể, phải ghi rõ thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc làm việc trong ngày; số giờ nghỉ ngơi trong một ngày; số ngày làm việc trong một tuần; số ngày nghỉ hàng tuần; thời điểm nghỉ xác định trước trong tuần (nếu có); số ngày nghỉ hàng năm; thời gian nghỉ xác định trước trong năm (nếu có); số ngày nghỉ lễ, tết theo quy định tại Khoản 1 Điều 115 Bộ luật lao động và những ngày nghỉ lễ, tết của địa phương, dân tộc (nếu có); số ngày nghỉ không hưởng lương và thời gian nghỉ xác định trước (nếu có).
Trả trợ cấp thôi việc theo quy định
Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ việc chủ sử dụng phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định. Cụ thể, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp ½ tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính theo năm, trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng ½ năm, từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là mức tiền lương bình quân ghi trong hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Người sử dụng lao động cũng phải nêu rõ trong hợp đồng lao động số tiền tàu xe về nơi cư trú của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng thời hạn; hỗ trợ học nghề, học văn hóa (nếu có); điều kiện hưởng tiền thưởng của người lao động giúp việc gia đình, mức thưởng, kỳ hạn trả thưởng và thình thức trả thưởng cho người lao động…
Người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần. Đồng thời, phải tôn trọng quyền, nhân phẩm của người giúp việc gia đình, có chỗ ăn ở sạch sẽ hợp vệ sinh cho người lao động.
Về phía người lao động giúp việc gia đình cũng phải có trách nhiệm đền bù nếu làm hỏng hóc dụng cụ và có trách nhiệm báo trước nếu kết thúc hợp đồng lao động.
Xã, phường cử cán bộ theo dõi
Theo dự thảo, UBND cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phân công cán bộ theo dõi, quản lý việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các quy định về lao động giúp việc gia đình đến người lao động và các hộ gia đình có thuê mướn sử dụng lao động giúp việc gia đình; lập Sổ quản lý lao động giúp việc gia đình; tiếp nhận, quản lý thông báo sử dụng lao động giúp việc gia đình, thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với lao động giúp việc gia đình của người sử dụng lao động trên địa bàn thuộc quyền quản lý; kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về lao động của hộ gia đình có sử dụng lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý.
Theo dự thảo, định kỳ 6 tháng một lần, UBND cấp xã, phường, thị trấn sẽ tổng hợp, báo cáo tình hình sử dụng lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý với cấp trên.
Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình đến ngày 25/5/2014 sẽ có hiệu lực thi hành. Nghị định này là bước ngoặt lớn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người giúp việc gia đình cũng như công nhận đó là một nghề. |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Tuệ Văn