In bài viết

Hướng dẫn việc chia di sản thừa kế

(Chinhphu.vn) - Cụ nội ông Bế Trung Kiên (email: zztrungkien75zz@yahoo.com) có 1 mảnh đất được chia thành 4 lô, mang tên cụ trên bản đồ địa chính. Năm 1971, mảnh đất trên được Nhà nước trưng dụng làm khu vườn công cộng, nhưng chưa nhận bồi thường do dự án này không thực hiện nữa.

23/12/2010 17:39

Ông Kiên mong muốn được giải đáp một số thắc mắc sau:

- Mảnh đất trên phải được trả lại cho cụ nội ông có đúng không? Cụ nội ông mất thì mảnh đất trên thuộc về ai?

- Khi chưa chính thức được trả 4 lô đất trên, ông nội ông viết giấy chuyển nhượng cho bác gái ông 1 lô đất và đã được Nhà nước chấp nhận, 3 ô đất còn lại, ông nội ông bán cho người sử dụng và được sự đồng ý của UBND phường/xã, UBND thị xã và được sự đồng ý các con cháu của ông nội (trừ bác gái ông Kiên). Nay, ông nội ông đã nhận đủ tiền của người mua. Vậy, việc ông nội ông thực hiện có hợp pháp không? Bác gái ông có quyền hợp pháp tranh chấp 3 lô đất trên với ông nội ông không?

Vấn đề ông Kiên hỏi được Luật sư Lê Văn Đài, Trưởng Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn như sau:

Do ông Bế Trung Kiên không cung cấp các tài liệu liên quan đến việc Nhà nước trưng dụng đất của cụ nội ông và ông Kiên không trình bày rõ sau khi có quyết định trưng dụng, cụ nội ông đã bàn giao đất cho Nhà nước chưa. Quá trình quản lý sử dụng đất từ khi có quyết định trưng dụng (năm 1971) đến ngày cụ nội ông chết ? Đất nông nghiệp, hay đất ở? Cụ nội ông mất năm nào? Có để lại di chúc không? Cụ nội ông sinh được mấy người con? Ngoài ông nội ông còn mấy người con của cụ nội ông còn sống vào thời điểm cụ nội ông mất. Những người con của cụ nội ông đã chết trước thời điểm cụ nội ông mất, họ có con còn sống không lúc cụ nội ông mất không?…

Do vậy, chúng tôi không thể xác định chính xác, trả lời cụ thể về người có quyền sử dụng đất, người được quyền thừa kế theo quy định của pháp luật.

Tài sản hết thời hạn trưng dụng được trả lại

Theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản, thì trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Hết thời hạn trưng dụng, về nguyên tắc tài sản phải được trả lại cho người bị trưng dụng.

Trong thư ông Kiên có nêu việc ông nội ông viết giấy chuyển nhượng cho bác gái ông 1 lô đất, đã được Nhà nước chấp nhận; 3 lô đất còn lại, ông nội ông bán cho người sử dụng và đã được sự đồng ý của UBND phường, UBND thị xã.

Với những tình tiết này, chúng tôi giả định rằng việc trưng dụng đất của Nhà nước đối với cụ nội ông đã thực hiện nhưng chưa sử dụng, đã hết thời hạn trưng dụng và quyền sử dụng 4 lô đất này thực tế vẫn thuộc về cụ nội ông.

Khi cụ nội ông qua đời, quyền sử dụng đất 4 lô đất này là di sản mà cụ nội ông để lại cho 1 hay nhiều người thừa kế nào đó theo di chúc (nếu có di chúc hợp pháp) hoặc các thừa kế theo pháp luật (nếu không để lại di chúc).

Khai nhận di sản thừa kế mới được quyền chuyển nhượng

Trường hợp khi cụ nội ông qua đời có để lại di chúc, chỉ định một mình ông nội ông là người được thừa hưởng di sản. Sau khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế, ông nội ông mới được quyền chuyển nhượng cho bác gái ông và những người khác. Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất  phải phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm phát sinh giao dịch.

Trường hợp cụ nội ông không để lại di chúc, theo pháp luật về thừa kế, hàng thừa kế thứ nhất của cụ nội ông là bố, mẹ đẻ của cụ nội ông, vợ của cụ nội ông (nếu những người này còn sống vào thời điểm cụ nội ông mất), các con của cụ nội ông (trong đó có ông nội ông). Nếu có người con nào của cụ nội ông chết trước, hoặc chết cùng thời điểm với cụ nội ông, thì con của người con đó được thừa kế thế vị.

Nếu hàng thừa kế thứ nhất có nhiều người thì di sản được chia đều cho ông nội ông và các thừa kế khác.

Nếu ông nội ông là người duy nhất ở hàng thừa kế thứ nhất thì ông nội ông mới là người được hưởng toàn bộ di sản của cụ nội ông.

Điều kiện chuyển nhượng hợp pháp

Việc ông nội ông Kiên chuyển nhượng 4 lô đất trên chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện sau:

- 4 lô đất này thuộc quyền sử dụng của cụ nội ông vào thời điểm cụ nội ông qua đời.

- Cụ nội ông lập di chúc hợp pháp, chỉ định một mình ông nội ông được thừa kế  4 lô đất trên. Hoặc ông nội ông là người thừa kế duy nhất ở hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật.

- Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải phù hợp với pháp luật về đất đai tại thời điểm chuyển nhượng (về mặt nội dung: đất, loại đất có được chuyển nhượng hay không? Người nhận chuyển nhượng có được nhận chuyển nhượng hay không; về mặt hình thức giấy tờ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu công chứng, chứng thực …)

Nếu bác gái ông, không được cụ nội ông chỉ định là người hưởng di sản theo di chúc, thì bác gái ông không được thừa kế di sản của cụ nội ông. Khi đó, việc bác gái ông Kiên tranh chấp di sản với những người thừa kế (trong đó có ông nội ông) là không có căn cứ.

VPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục này có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật