Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 mới chỉ chú trọng vào việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng gỗ, chưa chú ý đến giá trị dịch vụ môi trường rừng. Trong khi những giá trị dịch vụ này có thể cao hơn nhiều, điển hình như hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm tương đương 22% tổng đầu tư xã hội vào ngành lâm nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Luật bảo vệ và Phát triển rừng sẽ được sửa đổi cơ bản, trong đó đặc biệt là phạm vi điều chỉnh. Do có nhiều nội dung phải sửa đổi nên việc sửa đổi phải thể hiện được công tác quản lý theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp theo cơ chế thị trường, thể hiện đồng bộ các luật chuyên ngành như Luật Thủy sản, Luật Thủy lợi (đang được xây dựng)…
Góp ý về việc phân chia rừng trong dự thảo, ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN góp ý, không nên chia rừng thành 3 loại mà chia rừng theo 2 loại và chia theo sở hữu gồm rừng nhà nước và rừng theo sở hữu kinh tế. Bởi việc quản lý và bảo vệ rừng cần tính theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều tiến bộ khoa công nghệ được ứng dụng, cần đẩy mạnh vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc sửa đổi luật để phù hợp với chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Hiến pháp 2013 và một số luật được Quốc hội mới thông qua; hài hòa với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Luật cũng khắc phục những hạn chế, tồn tại của luật hiện hành về phân loại rừng, đổi mới việc giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất đối với hộ gia đình cá nhân theo hướng không thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để khuyến khích trồng rừng, bổ sung các quy định về hoạt động chế biến và kinh doanh lâm sản, hoạt động đầu tư tín dụng tài chính trong lâm nghiệp.
“Dự thảo luật lần này đẩy nhanh hơn chủ trương xã hội hóa trong lâm nghiệp nhằm tạo khung chính sách để thu hút các nguồn lực để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của chủ rừng và người làm nghề rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng tăng vào nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng từ trồng rừng đến khai thác, chế biến, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái và thị trường lâm sản”, ông Hà Công Tuấn cho biết.
Theo ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khi luật hiện hành không còn phù hợp thì cần mạnh dạn đổi tên để phù hợp, bao quát được nội hàm, nội dung của luật. Việc sửa đổi tên luật thành Luật Lâm nghiệp là phù hợp.
Ông Trương Minh Hoàng cho rằng, trong luật cần quan tâm đến chủ thể rừng. Hiện chủ thể rừng rất khác nhau, quá trình giao đất, giao rừng của các công ty lâm nghiệp trước đây giao khoán cho hộ dân nhưng không loại trừ nhiều nơi việc giao khoán không rõ ràng nên hiệu quả chưa cao, đời sống của bà con được giao đất giao rừng còn khó khăn. Cần tính toán để người được giao đất giao rừng có thể làm giàu trên mảnh đất này. Bên cạnh đó, hệ sinh thái rừng cần tiếp tục quy hoạch và phát triển theo kế hoạch nên sắp tới cần tính toán định giá môi trường rừng.
Nếu trồng rừng, phát triển môi trường rừng và tính được giá rừng cho hộ dân thì nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng cũng sẽ đem lại hiệu quả rất lớn. Như vậy, sẽ thêm cơ hội cho bà con làm giàu từ rừng, ông Trương Minh Hoàng nói.
Đỗ Hương