Cơ sở thực thi quyền của người lao động
Theo đánh giá của ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, dự thảo Nghị định quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế là văn bản có tính pháp quy, hướng dẫn thi hành các quy định của pháp luật liên quan đến việc thực thi quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tại doanh nghiệp.
Trên tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Dự thảo Nghị định được xây dựng trong giai đoạn này là hết sức cần thiết, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tôn trọng và bảo đảm quyền của mọi công dân Việt Nam nói chung và của người lao động Việt Nam nói riêng, đó là “quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội”.
Tính chất nổi bật của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp là tính tự nguyện tham gia của người lao động, là vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động và mục tiêu hướng tới là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Để người lao động tự nguyện thực thi quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật, thì công đoàn cấp trên cơ sở cũng phải có quyền và trách nhiệm vận động người lao động gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.
Công đoàn cũng có quyền yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động phải thừa nhận và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn cơ sở hoạt động.
Phải hài hòa được mối quan hệ giữa tổ chức với DN
Ông Đặng Quốc Toàn, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế hiện nay, việc thành lập các tổ chức chính trị - xã hội nói chung và tổ chức Đoàn Thanh niên nói riêng trong doanh nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân như có nơi địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc thành lập các tổ chức này trong các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước; công tác tuyên truyền, vận động thanh niên công nhân và xây dựng tổ chức đoàn, hội còn hình thức; phương pháp tiếp cận thanh niên công nhân và lãnh đạo doanh nghiệp chưa phù hợp…
Do vậy, để nâng cao hiệu quả trong việc thành lập cũng như hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nói chung và của tổ chức Đoàn Thanh niên nói riêng, trước hết cần tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động, đoàn viên thanh niên và tạo sự đồng thuận của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xây dựng tổ chức Đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.
Kết hợp hài hòa giữa vận động thanh niên công nhân xây dựng tổ chức đoàn, hội với phát huy vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên vì sự phát triển của doanh nghiệp. Chẳng hạn như, phát động các phong trào thi đua gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; phát huy vai trò của thanh niên trong chấp hành kỷ luật lao động, bảo đảm vệ sinh, an toàn công nghiệp, an toàn lao động và xây dựng văn hóa doanh nghiệp…
Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi xây dựng tổ chức đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, như tăng cường cán bộ đoàn chuyên trách, bán chuyên trách tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các địa bàn có đông đoàn viên, thanh niên công nhân.
Xây dựng hướng dẫn về chế độ phụ cấp đối với cán bộ đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp, quy định nguồn tài chính và chế độ tài chính đối với tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp.
Tập hợp thanh niên công nhân luôn gắn liền với việc củng cố và phát triển tổ chức đoàn, hội trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước và để các tổ chức hoạt động có hiệu quả thì phải đạt được sự hài hòa trong mối quan hệ giữa tổ chức đoàn thể với sự vận động, phát triển của doanh nghiệp.
Các tổ chức cần có sự độc lập về kinh phí hoạt động
Theo ông Nguyễn Phong Phú, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Nghệ An, một vấn đề quan trọng để các tổ chức này duy trì được hoạt động sau khi thành lập chính là kinh phí hoạt động.
Các quy định hiện nay cũng đã có cơ chế giao cho các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí hoạt động của các tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; bảo đảm tiền phụ cấp cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh cơ sở trong các doanh nghiệp và doanh nghiệp được phép đưa khoản kinh phí đó vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên thực tế, phần lớn chủ doanh nghiệp không thực hiện.
Nội dung này cũng đã được đưa vào dự thảo Nghị định “các khoản hỗ trợ của doanh nghiệp cho tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị- xã hội để phục vụ hoạt động được tính là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”, nhưng để có hiệu quả thì nên cụ thể việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các tổ chức tại doanh nghiệp bằng quy định các doanh nghiệp khi có tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong doanh nghiệp mình thì phải nộp ngân sách một khoản tính theo phần trăm lợi nhuận hàng năm.
Thực hiện được điều này, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ có kinh phí chủ động bảo đảm cho kế hoạch hoạt động hàng năm mà không lệ thuộc vào doanh nghiệp. Do đó, có thể phát huy tốt hơn vai trò, vị thế, tạo được lòng tin và chỗ dựa vững chắc cho người lao động.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh và mối quan hệ giữa tổ chức này với chủ doanh nghiệp, lấy đó làm cơ sở xác định trách nhiệm của các tổ chức và chủ doanh nghiệp, cùng phối hợp giải quyết ngay tại doanh nghiệp những mâu thuẫn, bất đồng nảy sinh giữa chủ doanh nghiệp và công nhân, người lao động.
Đồng thời, khi Nghị định được triển khai trong thực tế, các cấp, các ngành, nhất là các tổ chức, đoàn thể phải phối hợp chặt chẽ với chủ doanh nghiệp, thống nhất các chủ trương, biện pháp để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, từ đó làm cho người lao động tin tưởng, phấn khởi, gắn bó với doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và không ngừng phát triển.
Có thực hiện được như vậy thì việc thành lập tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong doanh nghiệp mới thực sự mang lại lợi ích gấp nhiều lần cho doanh nghiệp, xóa bỏ được định kiến tổ chức đoàn thể gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp.
An Hằng