Từ nhiều năm qua, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam đã triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi tổ hợp bôxit-nhôm Lâm Đồng theo hướng Việt Nam tự đầu tư để sản xuất 300.000 tấn alumin/năm và 72.300 tấn nhôm thỏi/năm. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp nhôm có hiệu quả, tất cả các nước đều phải dựa vào nguồn điện có giá thấp (như điện hạt nhân, thủy điện, hay điện chạy khí...) do điện phân nhôm yêu cầu suất tiêu hao điện năng rất lớn (khoảng 14.000KWh/tấn nhôm điện phân). Giải pháp khác là đầu tư đồng bộ nguồn điện tại chỗ. Để điện phân nhôm, theo tính toán, cần phải có chính sách giá điện ưu đãi, thấp hơn giá bình thường (khoảng 3-3,5 US cent/KWh, trong khi giá điện cho nhu cầu công nghiệp tại Việt Nam hiện trung bình khoảng 5,1 cent/KWh.
Để triển khai phù hợp từng bước về khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng hiện có, Bộ Công nghiệp cho biết, dự kiến trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư khai thác quặng bôxit ở một số khu vực mỏ trọng điểm như Lâm Đồng, Đắc Nông, tuyển và chế biến sản phẩm alumin để xuất khẩu. Sau năm 2010, khi hạ tầng khu vực mỏ bôxit đã phát triển và có nguồn điện dồi dào hơn, giá điện ưu đãi, chúng ta sẽ nghiên cứu khả năng phát triển khai thác bôxit, tăng cường chế biến alumin theo chiều sâu để đầu tư nhà máy sản xuất nhôm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo hướng này, dự án bôxit-nhôm Lâm Đồng do Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua phương án khả thi chuyển phương án làm từ “A đến Z” (khai thác mỏ, chế biến alumin và điện phân nhôm) sang chế biến alumin với công suất 600.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 490 triệu USD, triển khai các bước chuẩn bị đầu tư từ năm 2006 đến 2008. Năm 2009, Việt Nam sẽ có nhà máy sản xuất nguyên liệu alumin đầu tiên. Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam cũng cho biết, họ đang tích cực thu xếp nguồn vốn cho dự án. Nếu đi vào vận hành đúng tiến độ, hiệu quả kinh tế của dự án là rất khả quan.
Ngoài ra, theo Bộ Công nghiệp, tại thời điểm hiện tại, 2 dự án có vốn đầu tư lớn dự kiến liên doanh hợp tác với nước ngoài sản xuất alumin cũng đang chờ Bộ Công nghiệp thẩm định, cấp phép. Đó là tổ hợp dự án bôxit-alumin Đắc Nông (hợp tác với Trung Quốc), công suất có thể lên tới 1-2 triệu tấn alumin/năm với số vốn đầu tư ước khoảng 1,5 tỷ USD, tuyển quặng ở 2 mỏ “1-5” và “Quảng Sơn” (Đắc Nông). Dự án thứ hai là dự án 100% vốn nước ngoài (tập đoàn BHP Billiton (Ôxtrâylia), dự kiến triển khai khảo sát thăm dò khoáng sản trên một diện tích trên 1.000km2 (gồm 5 mỏ là Gia Nghĩa, Bắc Gia Nghĩa, Tuy Đức, Đắc Song và Nhân Cơ). Bộ Công nghiệp cho biết cả 2 đối tác trên đều là những tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ khai thác bôxit-alumin-điện phân nhôm, có tiềm lực tài chính và có khả năng bao tiêu sản phẩm. Các đối tác cũng cam kết sẽ thu xếp nguồn vốn đầu tư dự kiến lên tới hàng tỷ USD/dự án để có thể triển khai ngay.
Trên diện tích thăm dò khai thác 137km2 tại địa bàn các xã Quảng Thành, Trường Xuân, Gia Nghĩa (tỉnh Đắc Nông), Tổng Công ty Than Việt Nam cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý trên nguyên tắc để triển khai việc đầu tư từ thăm dò, khai thác mỏ đến chế biến quặng bôxit ở khu công nghiệp Nhân Cơ. Tổng Công ty Than cũng đã trình Bộ Công nghiệp dự án khai thác, sản xuất alumin tại Tân Rai với công suất 100.000 tấn alumin/năm.
Trong phương hướng phát triển công nghiệp điện phân nhôm, Viện Mỏ-Luyện kim đã được Bộ Công nghiệp giao lập Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp nhôm từ nay đến năm 2010 có tính đến năm 2020 để trình Chính phủ. Ngày 2/9/2005, Bộ Công nghiệp đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án chiến lược phát triển của ngành này. Theo ông Dương Thanh Sùng, một thành viên tham gia soạn thảo Quy hoạch, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép xây dựng các dự án bôxit-nhôm, thì chắc chắn khi đó nếu có sự hợp tác của 3 Tổng Công ty: Tổng Công ty Khoáng sản, Than và Hóa chất thì công việc sẽ tiến triển rất thuận lợi.
(Bộ Công nghiệp)