Ngay sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã xác định tầm quan trọng của nhiệm vụ tổ chức Tổng tuyển cử. Người nói: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống. Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó".
Người cũng xác định rõ đại biểu là người được dân bầu ra để gánh vác việc nước. Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Trong cuộc Tổng tuyển cử này, các đảng phái đều có đại biểu, mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu Quốc hội không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam, nhằm đoàn kết lực lượng của toàn dân Việt Nam. Chính sự đoàn kết đó làm nên Quốc hội, khẳng định bản chất của Quốc hội ta.
Tư tưởng xây dựng Quốc hội như một cơ quan quan trọng để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình đã được Bác Hồ khẳng định từ rất sớm. Tư tưởng đó được tiếp tục vun đắp và đã trở thành hiện thực với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên.
Chính nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cuộc Tổng tuyển cử đã thành công. Ngày 06-01-1946, cử tri cả nước đã bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam gồm 333 đại biểu, trong đó có 57% đại biểu thuộc đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ, 34 đại biểu dân tộc thiểu số.
Ngay sau Tổng tuyển cử, việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đã được chuẩn bị khẩn trương. Ngày 02-3-1946, 314 đại biểu Quốc hội cả nước đã có mặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội, phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Tổng tuyển cử bầu ra được khai mạc. Đây thực sự là một kỳ họp lịch sử. Với một thời gian ngắn nhất trong lịch sử, bốn tiếng đồng hồ, Quốc hội đã tập trung bàn và quyết định những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến sự sống còn của đất nước. Quốc hội đã thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, bầu ra Ban Thường trực Quốc hội, Cố vấn đoàn và Kháng chiến ủy viên hội.
Sau kỳ họp, Quốc hội và Chính phủ đã ra sức hoạt động về đối nội, đối ngoại, xây dựng nền dân chủ mới, thực hành chính sách đoàn kết dân tộc, kiến thiết quốc gia và bảo vệ đất nước. Hoạt động của Quốc hội và Chính phủ đã nâng cao uy tín của Quốc hội và Chính phủ ta trên trường quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới, tận dụng khả năng hòa bình, củng cố lực lượng xây dựng và bảo vệ quốc gia.
Quốc hội khóa I đã đặt dấu ấn đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Tại kỳ họp thứ hai (từ ngày 28-10 đến ngày 09-11-1946) Quốc hội đã thảo luận và thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng và nhân dân ta noi theo và thực hiện trong việc xây dựng và củng cố chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh. Những lời dạy của Người về Nhà nước và Quốc hội mãi mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta, Quốc hội ta để Quốc hội thực sự trở thành Quốc hội của dân, do dân và vì dân như Người hằng mong muốn.
PGS.TS. Phan Trung Lý (PCN Ủy ban Pháp luật Quốc hội)
Nguồn: Báo Nghệ An 31/12/2010