Cuối năm 2020, ngành thủy sản đề ra kế hoạch trong năm 2021 sẽ đạt được giá trị xuất khẩu 8,5 tỷ USD. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều dự án phải "án binh bất động" từ 4-5 tháng.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, cho đến cuối tháng 10/2021, ngành cũng chỉ xác định được năm 2021 chỉ đạt khoảng 8,4 – 8,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, vào dịp cuối năm, cộng hưởng với những chính sách được điều chỉnh trước đó đã giúp ngành có sự bứt phá ngoạn mục khi cán đích kim ngạch xuất khẩu 8,89 tỷ USD.
Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 3,9 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm 2020. Trong đó, khai thác biển gần 3,7 triệu tấn (tăng 1% so với cùng kỳ), khai thác nội địa 196.000 tấn (tăng 0,2% cùng kỳ). Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản như: nhuyễn thể có vỏ, cá ngừ, mực, bạch tuộc... tăng mạnh.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, những chính sách có tác động tích cực rõ rệt đến sự phát triển của ngành trong thời gian qua là công bố danh sách 77 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; mở 65 cảng cá; chỉ định 49 cảng cá đủ điều kiện chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác…
Điển hình như tại Thanh Hóa, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết việc phát triển mô hình tổ đội, hợp tác xã, liên kết thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng khai thác thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi Bộ NN&PTNT ban hành Đề án ''Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc". Từ Đề án này, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Đề án ''Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020" và nhiều kế hoạch liên quan. Đến nay, toàn tỉnh đã có 102 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản, cung ứng gần 47.500 tấn/năm cho thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó có một số sản phẩm có nguồn gốc các hình thức liên kết trong khai thác thủy sản.
Với những tác động tích cực từ chính sách, hiện nay dịch vụ hậu cần nghề cá trên cả nước đã có 354 cơ sở sản xuất nước đá; 640 kho lạnh sản phẩm hải sản với tổng sức chứa khoảng 78.700 tấn và 14 kho cho thuê với sức chứa 46.000 tấn; 9 nhà phân loại hải sản, đảm bảo phân loại 240 tấn sản phẩm/ngày; 1.135 cơ sở vựa thu mua, kinh doanh hải sản. Cả nước hiện có 10 cơ sở gia công sản xuất lưới sợi quy mô lớn trên phạm vi cả nước. Các cơ sở này mỗi năm sản xuất hơn 10.000 tấn lưới sợi.
Nhiều tàu khai thác xa bờ đã được đóng mới trang bị lắp máy công suất lớn, trang thiết bị khai thác tiên tiến, hiện đại. Sự thay đổi cơ cấu nghề nghiệp, không những làm tăng sản lượng mà còn giúp ngư dân tiếp cận các sản phẩm có chất lượng, giá bán cao.
Tại hội nghị về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản năm 2022 do Tổng cục Thủy sản tổ chức ngày 22/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng nhìn vào sản lượng khai thác thủy sản lớn chưa hẳn là điều đáng mừng, cần có kế hoạch cụ thể để khai thác được bền vững hơn.
Thống kê Tổng cục Thủy sản cho thấy tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 đạt 3,886 triệu tấn (tăng 0,9% so với năm 2020). Trong đó khai thác biển đạt 3,691 triệu tấn (tăng 1% so với cùng kỳ), khai thác nội địa 196 nghìn tấn (tăng 0,2% cùng kỳ). Tuy nhiên, Trong năm 2021 nhờ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quản lý tốt hạn ngạch về giấy phép khai thác thủy sản, tổng số tàu khai thác thủy sản giảm 3,07%, trong đó tàu xa bờ giảm 2,9%.
Ông Phùng Đức Tiến cho rằng việc khai thác với sản lượng bao nhiêu cần căn cứ theo trữ lượng để đặt hạn mức khai thác nằm trong ngưỡng an toàn, tránh tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản. Đây là điều mà nhiều địa phương hiện nay chưa quán triệt và thực hiện nghiêm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc khắc phục thẻ vàng EC.
Trên tinh thần phát triển bền vững ngành thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị 4 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Khánh Hoà, TPHCM, Tiền Giang khẩn trương làm tham mưu trình UBND tỉnh, thành phố sớm ban hành tiêu chí đặc thù về quản lý và cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng bờ.
Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt khoảng 8,7 triệu tấn. Trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,7 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương cần tổ chức đăng ký, cấp giấy phép, nhập thông tin tàu cá vào cơ sở dữ liệu tàu cá VNFISBASE theo quy định; Có biện pháp quản lý tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, ngăn chặn tàu này đi hoạt động khai thác; xử lý triệt để, đúng quy định tàu cá bị mất kết nối.
Các địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý tàu cá, quản lý ngư trường nguồn lợi trên địa bàn, rà soát xóa đăng ký đối với tàu đã bị mất tích, chìm, mục nát không còn khả năng khắc phục; công khai hạn ngạch giấy phép khai thác tại địa bàn của mình.
Đỗ Hương