In bài viết

Hướng tới phát triển đô thị bền vững

(Chinhphu.vn) – Tổng kết đánh giá quá trình đô thị hóa Việt Nam trong giai đoạn 2010-2020, thảo luận về những thách thức đang phải đối mặt trong quá trình đô thị hóa đồng thời nêu lên những định hướng chính sách phát triển đô thị giai đoạn 2021-2030 là những nội dung quan trọng tại buổi Tọa đàm “Ngày đô thị với quá trình đô thị hóa ở Việt Nam”.

08/11/2019 15:18

Kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam 8/11, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) - cơ quan thường trực của Diễn đàn đô thị Việt Nam (VUF) đã tổ chức Tọa đàm “ Ngày đô thị với quá trình đô thị hóa ở Việt Nam”. Tọa đàm thu hút sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các cơ quan  trung ương và chính quyền địa phương, đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế.

Cục Phát triển đô thị cho biết, để tôn vinh sự nghiệp quy hoạch và phát triển đô thị trên phạm vi cả nước, tạo sự quan tâm chung của toàn xã hội đối với công tác quy hoạch và phát triển đô thị, ngày 8/10/2008 tại công văn số 2014/BXD-PTĐT Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 20/10/2008 về việc lấy ngày 8/11 hằng năm là “Ngày Đô thị Việt Nam”.

Nhìn lại chặng đường 20 năm trở lại đây, hệ thống đô thị nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% năm 1999 lên 38,4% năm 2018. Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước.

Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt từ 12% đến 15%, cao hơn từ 2-2,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước. Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển chung của xã hội.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh:VGP/ Toàn Thắng

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng xuất hiện một số tồn tại hạn chế và đối mặt với không ít thách thức như: Hệ thống đô thị phát triển chưa hài hòa, chưa đồng bộ giữa số lượng, quy mô, diện tích và chất lượng; chưa bảo đảm khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị và giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn. Diện tích đô thị mở rộng nhanh kéo theo tình trạng sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả; năng lực hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế, năng lực và tư duy quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do việc chưa đồng bộ công cụ quản lý phát triển đô thị, công tác quy hoạch đô thị chưa đồng bộ và gắn kết với quy hoạch vùng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và kế hoạch đầu tư. Mô hình chính quyền đô thị và tổ chức bộ máy chưa phù hợp, chưa đáp ứng với yêu cầu và các đặc trưng đô thị.

Cùng với việc tổng kết đánh giá quá trình đô thị hóa Việt Nam trong giai đoạn 2010-2020 và định hướng chính sách phát triển đô thị giai đoạn 2021-2030, Tọa đàm đã tập trung thảo luận về những thách thức của quá trình đô thị hóa. Kiến nghị các định hướng phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu và việc đổi mới cơ chế, chính sách trong quá trình phát triển đô thị.

Tọa đàm cũng hướng tới mục đích tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, chính quyền địa phương quản lý các đô thị, các nhà quy hoạch, kiến trúc, các nhà đầu tư phát triển đô thị, các chuyên gia và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về tình hình đô thị hóa ở Việt Nam.

Đồng thời nâng cao năng lực hoạt động của Diễn đàn đô thị Việt Nam, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm quảng bá, thu hút đầu tư, hỗ trợ nguồn lực trong và ngoài nước về phát triển đô thị Việt Nam.

Tọa đàm về ngày đô thị với quá trình đô thị hóa ở Việt Nam. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Đặc biệt, Tọa đàm đã thu hút được các tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong Chiến lược Phát triển đô thị ASEAN (ASUS) của đại diện ASEAN; khuyến nghị Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những vấn đề mà chính phủ Việt Nam cần quan tâm về kinh tế đô thị và các chính sách đô thị hóa của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như cam kết của Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển đô thị bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.

                                                                                                                                       Toàn Thắng