In bài viết

Hướng về cội nguồn nhớ ngày Quốc lễ giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam vai trò và vị trí của Đền Hùng và giỗ tổ Hùng Vương trong thời đại Hồ Chí Minh được đặt ở vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa hiện nay.

15/03/2011 10:15

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2005 về giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Tại Nghị định số 82/2001 NĐCP về nghi lễ Nhà nước được quy định là Ngày lễ lớn bắn pháo hoa vào tối ngày 10-3 âm lịch hàng năm và ngày 31 – 01 – 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định: Từ nay vào ngày giỗ tổ Hùng Vương (10 – 3 âm lịch) người lao động được nghỉ và hưởng nguyên lương.


Lễ hội Đền Hùng có ý nghĩa giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc thông qua đó từng bước xây dựng Khu di tích đền Hùng trở thành trung tâm văn hóa cội nguồn của dân tộc. Giá trị và ý nghĩa Ngày giỗ tổ Hùng Vương thấm sâu và ý thức hệ tư tưởng của người dân Việt Nam, thực sự làm thức dậy những tình cảm sâu lắng nhất trong trái tim mỗi người dân.


Nhớ về đất tổ Hùng Vương cách đây hàng mấy ngàn năm (từ năm 2879 TCN – 258 TCN) đã hình thành một quốc gia thống nhất dưới sự trị vì của các vua Hùng (18 đời), 15 bộ lạc Âu Việt và Lạc Việt ở miền xuôi và miền ngược tập hợp lại cùng thống nhất với nhau dựng nên nước Văn Lang, đứng đầu là Vua Hùng. Trải qua chặng đường tiến hóa của người Việt cổ ngữ âm và ngữ pháp đã thành Tiếng Việt ngày nay. Trên đất nước Văn Lang đã nảy nở một nền văn minh lúa nước. Xã hội nước Văn Lang hợp thành liên minh bộ lạc, dưới vua là các lạc hầu, lạc tướng, công xã có lạc dân, ruộng lạc. Những truyền thống tốt đẹp đó bằng ý chí quật cường và khát vọng tự do, độc lập, dân tộc Việt Nam đã từng bước hình thành nước Văn Lang, trụ vững cho đến ngày nay.


Thời trước vua Lê Thánh Tông vị vua anh minh đã chính thức hóa vị trí khởi đầu lịch sử dân tộc của các vua Hùng. Thời vua Duy Tân cho dù bị mất nước cũng đã ban hành quy định có tính chất Quốc lễ đối với giỗ tổ Hùng Vương.


Năm 1941, Bác Hồ về nước ở Pác Bó – Cao Bằng đã viết tập diễn Ca “Lịch sử nước ta” bằng văn vần gồm 208 câu đề tuyên truyền khơi dậy lòng yêu nước, giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc ta.


Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Kể năm hơn bốn ngàn năm

Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa

Hồng Bàng là tổ nước ta

Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang…


Từ sau Cách mạng Tháng Tám 8 – 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, đã nhiều lần về dâng hương tại đền Hùng. Ngày 8 – 10 – 1945, trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội, cán bộ và chiến sỹ Đại đoàn 308 đã được Bác Hồ đến thăm, căn dặn khi về tiếp quân thủ đô và Bác đã nói “Các vua Hùng đã có công dựng nước; Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là một mệnh lệnh thiêng của đất nước, giao nhiệm vụ cho thế hệ tiếp theo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.


Trước năm 1975, tại miền Nam nước ta sống dưới chế độ cai trị của đế quốc Pháp và Mỹ nhân dân ở nhiều địa phương vẫn lập đền thờ các vua Hùng để hướng về cội nguồn tiên tổ.


Người Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài cũng cảm thấy tự hào về lịch sử của dân tộc và cội nguồn của giống nòi khắc cốt ghi tâm mình là con cháu các vua Hùng là dòng giống con rồng cháu tiên. Việt kiều nước ngoài cùng tìm về quê hương dâng hương các vua Hùng xin chân nhang và nắm đất tổ tiên đem theo với tâm niệm: Thăm đền Hùng chúng tôi như giọt máu trên đường trở về tim. Hàng năm khắp cả nước và kiều bào ở nước ngoài hành hương về đền Hùng. Giỗ tổ Hùng vương là biểu tượng văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào về dòng giống con Lạc cháu Hồng và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Hướng về đền Hùng đã thành ý thức, tình cảm thiêng liêng nhất với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.


Ngày 10 – 3, giỗ tổ Hùng Vương, chúng ta là con cháu Lạc Hồng cùng nhau hành hương về trẩy hội Đền Hùng để tiếp thêm sức mạnh và niềm tin toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh để sánh cùng các nước tiên tiến trên thế giới.


Nhân dân ta có câu:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà Việt Nam.



Nguyễn Xuân Toàn
(biên soạn)