In bài viết

Huy động nguồn lực phát triển bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

(Chinhphu.vn) - Chiều 17/3, tại Đà Nẵng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp với Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với chủ đề “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.

17/03/2023 19:03
Huy động các nguồn lực phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Ảnh 1.

Quang cảnh diễn đàn - Ảnh:VGP/Lưu Hương

Quy mô kinh tế còn nhỏ, tính bền vững chưa cao

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho hay, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vai trò, vị trí rất quan trọng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển. Bên cạnh đó, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã có nhiều nỗ lực "thoát khó, thoát nghèo" vươn lên nhưng kinh tế nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế, tốc độ phát triển còn chậm, quy mô kinh tế còn nhỏ, tính bền vững chưa cao...

Cộng đồng kinh doanh tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn gặp nhiều khó khăn bởi những yếu tố như quy mô, sức mua thị trường còn thấp, quy mô doanh nghiệp có xu hướng nhỏ hóa khi số vốn, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới hằng năm ngày càng giảm; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh tại khu vực chưa theo kịp nhu cầu phát triển cho dù khu vực này có nhiều cảng biển, cảng hàng không và là trung điểm giao thông đường bộ của cả nước nhưng chi phí logistics còn cao. Cùng với đó, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chưa phát triển, nguồn nhân lực cao cấp còn thiếu...

Theo Giám đốc VCCI Đà Nẵng, "đại dịch COVID-19 vừa qua là phép thử liều cao về sự phát triển, tính bền vững của doanh nghiệp, nền kinh tế tại khu vực này đã bộc lộ những hạn chế rõ hơn bất cứ lúc nào... Câu hỏi đặt ra là đâu là giải pháp để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển đúng với tiềm năng, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ".

Theo TS Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hiện quy mô nền kinh tế còn nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế cả nước. Tăng trưởng của các địa phương trong vùng chưa đồng đều; hoạt động liên kết còn nhiều hạn chế, kết nối về đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương...

Huy động các nguồn lực phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Ảnh 3.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia phát biểu tại diễn đàn - Ảnh:VGP/Lưu Hương

Tìm giải pháp tiếp sức cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Thông tin tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đề xuất các phương án về phân lại, mở rộng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (bổ sung thêm một số tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có tiềm lực kinh tế mạnh). Đồng thời, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng, thể chế hoá cơ chế liên kết vùng liên kết về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, phát triển công-nông nghiệp-dịch vụ, nguồn nhân lực...

Đồng thời cũng lưu ý đến việc phát triển kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sinh thái là động lực tăng trưởng. Trong đó, các địa phương chú ý cân bằng các yếu tố gồm kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường. Đặc biệt, xây dựng, hoàn thiện cơ chế đặc thù, thí điểm hình thức thu hút đầu tư, kinh doanh mới, tiếp tục tạo cơ chế và môi trường hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, quốc tế. Đa dạng các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế vùng như ngân sách Nhà nước, tư nhân, quốc tế, ODA, vốn vay ưu đãi, quỹ đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp...

Huy động các nguồn lực phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Ảnh 4.

Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn - Ảnh:VGP/Lưu Hương

Còn TS Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính gợi ý 2 nhóm giải pháp nhằm huy động nguồn lực cho phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm: Giải pháp về huy động nguồn lực tài chính và giải pháp về phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển vùng.

Theo TS Nguyễn Thanh Nga, cần rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về tài chính có tính đến yếu tố đặc thù của vùng, qua đó giải quyết những nút thắt, giúp huy động tối đa nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng. Cùng với đó, tiếp tục rà soát lại các ưu đãi về thuế, phí, tín dụng để khuyến khích đầu tư phát triển, đồng thời thu hút các dự án đầu tư ở các lĩnh vực là thế mạnh của vùng (công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ...).

Đối với nhóm giải pháp về phân bổ nguồn lực tài chính, cần tiếp tục nghiên cứu ban hành định mức phân bổ ngân sách bảo đảm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng.

Tập trung nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư các công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, y tế... ở các địa bàn có lợi thế. Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi để thu hút các dự án đầu tư từ các nhà đầu tư lớn. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí để lựa chọn, xúc tiến đầu tư…

Lưu Hương