In bài viết

Huy động trí tuệ nhân dân góp ý Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

(Chinhphu.vn) - Chiều nay (5/1), Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ công bố Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi.

05/01/2015 18:35
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo lễ công bố Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo.

Việc tổ chức công bố lấy ý kiến nhân dân nhằm huy động trí tuệ của nhân dân với Bộ luật quan trọng hàng đầu của pháp luật dân sự đất nước được tập trung sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện để có sức sống lâu dài, ổn định đối với xã hội.

Công bố Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo BLDS sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long nhấn mạnh: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung Dự thảo BLDS sửa đổi, bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Ông Long cũng cho biết, Nghị quyết 857 yêu cầu lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về toàn bộ Dự thảo BLDS sửa đổi, tập trung vào các vấn đề trọng tâm do Chính phủ xác định.

Nghị quyết còn nêu rõ, thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo BLDS sửa đổi bắt đầu từ ngày 5/1/2015 và kết thúc vào ngày 5/4/2015. Sau thời hạn quy định, tổ chức, cá nhân tiếp tục góp ý kiến về Dự thảo BLDS sửa đổi thì gửi đến Bộ Tư pháp trước ngày 20/9/2015 theo địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc theo hộp thư điện tử: boluatdansu@moj.gov.vn.

Các ý kiến góp ý của nhân dân sẽ được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý Dự thảo BLDS sửa đổi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo BLDS sửa đổi và các vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu bật mục tiêu sửa đổi BLDS lần này là xây dựng BLDS thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia.

Đồng thời ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao dịch lưu dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Một trong những quan điểm chỉ đạo đáng chú ý là xây dựng Dự thảo BLDS sửa đổi “thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, có tính khái quát, dự báo và khả thi để bảo đảm sức sống, tính ổn định, kéo dài hàng thập niên của Bộ luật này”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Căn cứ vào mục tiêu, quan điểm xây dựng Dự án BLDS sửa đổi, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung BLDS lần này được xác định là cơ bản và toàn diện.

Trên cơ sở phạm vi sửa đổi như vậy, Dự thảo BLDS sửa đổi có tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với BLDS năm 2005, Dự thảo BLDS sửa đổi giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Dự án BLDS sửa đổi là một trong những dự án luật có vai trò rất quan trọng nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Với tầm quan trọng như vậy, Chính phủ xác định dự án Bộ luật này là một trong những trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật.

Đây là đạo luật lớn, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống nhân dân, là luật chung, luật nền cho các luật khác trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

Dự thảo Bộ luật quy định nhiều vấn đề mới, có tính đột phá trong công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Chính vì những đặc thù đó, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo BLDS sửa đổi nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền của công dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Để việc tổ chức lấy ý kiến được tiến hành rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính thiết thực, hiệu quả cũng như sự công khai, minh bạch, khoa học và tiết kiệm, Phó Thủ tướng lưu ý, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND và HĐND các địa phương nghiêm chỉnh, khẩn trương thực hiện Nghị quyết 857 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch 01 của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo BLDS sửa đổi.

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức lấy ý kiến trong toàn ngành về Dự thảo BLDS sửa đổi. Cơ quan tư pháp là bộ máy trực tiếp áp dụng các quy định của Bộ luật để giải quyết các việc dân sự, do đó, ý kiến góp ý của các cơ quan Tòa án, Kiểm sát là đặc biệt quan trọng đối với dự thảo luật này.

Đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với Dự thảo BLDS sửa đổi; Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát huy vai trò, huy động các thành viên tham gia tích cực vào quá trình lấy ý kiến.

Các cơ quan thông tin truyền thông có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các nội dung Dự thảo BLDS sửa đổi để kịp thời phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân và đăng tải các ý kiến đóng góp của nhân dân về Dự thảo BLDS sửa đổi với các hình thức và thời lượng phù hợp như xây dựng các chương trang, chuyên mục, chương trình phát thanh, truyền hình rộng rãi đến nhân dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo BLDS sửa đổi; công bố công khai việc tiếp thu, giải trình. Đồng thời phải tổng hợp đầy đủ, chính xác mọi ý kiến góp ý của nhân dân.

Về phương pháp, hình thức lấy ý kiến, qua kinh nghiệm của nhiều lần lấy ý kiến nhân dân trước đây, cần có cách làm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh trùng lắp, không in ấn quá nhiều giấy tờ, tài liệu không cần thiết.

Cần phát huy hiệu quả của các phương pháp truyền thông qua mạng internet, hệ thống phát thanh, truyền hình...

Việc lấy ý kiến phải phù hợp với từng đối tượng là người dân, nhà khoa học, nhà quản lý...

Lê Sơn