In bài viết

Huyện Ba Vì: Khơi dậy giá trị văn hóa cồng chiêng

HNP - Được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những thiết chế đền, đình, chùa, di tích lịch sử vô giá tồn tại từ đời này sang đời khác, tầm vóc của huyện Ba Vì còn được thể hiện ở những giá trị văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc trở thành phong tục, tập quán của người dân tộc Mường đó là nhạc cụ cồng chiêng. Ý thức được tầm quan trọng, huyện Ba Vì đang phát huy các giá trị văn hóa, tiêu biểu là văn hóa cồng chiêng.

27/11/2010 13:40


Khi nói đến Ba Vì người ta nhắc tới những giá trị văn hóa như đình, đền, chùa, miếu mạo, mà tiêu biểu là cụm di tích đền Hạ, đền Trung, đền Thượng nơi thờ thần núi Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tượng trưng cho ý chí kiên cường, bất khuất chống thiên tai từ bao đời nay. Vượt qua không gian, thời gian, Đức Thánh Tản được coi là vị “Anh hùng khai sáng văn hóa” và bảo vệ Tổ quốc trong huyền thoại. Công trạng lớn lao của Ngài được nhân dân suy tôn là “Đệ Nhất Phúc Thần” và “Thượng đẳng tối linh thần”. Nhưng trong kho tàng văn hóa của Ba Vì không thể không nhắc tới một nhạc cụ đã gắn bó lâu đời với người dân tộc Mường nơi đây. Đây là kho tàng văn nghệ dân gian khá phong phú của người dân tộc Mường định cư tại các xã Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài.

Phó Chủ tịch xã Minh Quang (huyện Ba Vì) – Đinh Công Minh cho hay, người dân tộc Mường định cư trên đất Ba Vì từ lâu đời, sự hiện diện của họ và bản sắc văn hóa khá phong phú đã góp phần làm cho đời sống văn hóa, xã hội thêm đa dạng, nhiều màu sắc và hứa hẹn sự phát triển đa dạng theo quy luật “hội tụ, kết tinh, giao lưu, lan tỏa”. Ngày nay, những phong tục, tập quán, trang phục, âm nhạc, kiến trúc, ẩm thực của người dân tộc Mường đang được bảo tồn và phát triển. Nổi lên là lĩnh vực âm nhạc mà nhạc cụ tiêu biểu là cồng chiêng của người dân tộc Mường. Khi biểu diễn cồng chiêng cũng giống như lối hát Rằng Dang (thường Rang), hát Ví, người dân tộc Mường vẫn duy trì được những bài hát với làn điệu riêng của mình. Đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn chơi cồng, một nét đẹp văn hóa của người Mường trong những dịp lễ hội, ngày tết, ngày cưới... Bởi lẽ, tiếng cồng gắn bó sâu sắc với người Mường từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời. Cồng chiêng cửa người dân tộc Mường khi được tấu lên là đại diện cho cả cộng đồng nam phụ ấu lão đang sinh sống yên vui đầm ấm.

Trước đây, gia đình nào cũng có cồng, ít thì một cái, nhiều thì một bộ từ 12 -14 chiếc, những gia đình giàu có, cồng coi như một thứ gia bảo. Trong giàn cồng thường có 5, 7 hoặc 9 chiếc, nhưng đầy đủ một bộ từ 12-14 chiếc (số lượng 12 chiếc biểu tượng cho 12 tháng trong năm). Cấu tạo của chiếc cồng của người dân tộc Mường (huyện Ba Vì): ở giữa có núm cao 5-7cm, to đường kính 7-8cm, miệng cồng khoảng 20cm đối với cồng Chót và cồng Tam còn gọi là chiêng boòng beng có hai chiếc treo ở 2 đầu một đoạn gỗ dài khoảng 35-40cm, loại cồng này do một người đánh; cồng đối (bộ tụng 5 gồm hai chiếc), đường kính 30cm; cồng đối (bộ tụng 7 gồm 2 chiếc), đường kính 40cm; cồng Khầm (từ 5-7 chiếc, đường kính chiếc bé nhất là 50cm, trung bình là 80cm, to nhất 1,2m). Mỗi chiếc cồng có đường kính khác nhau, núm dày, mỏng để tạo nên âm thanh trầm bổng. Mỗi chiếc đều có vai trò nhất định trong bản nhạc chung, như chiếc cồng Chót giữ chịch, điều khiển chung cả dàn cồng. Những chiếc cồng âm cao gọi là chiêng Chót, cồng âm trung gọi là chiêng boòng beng và cồng âm trầm gọi là chiêng đàm. Cồng khệ (hay còn gọi là cồng khù, cồng khầm) dùng đánh trùng âm (cồng đối).

Cách chơi cồng của người dân tộc Mường (huyện Ba Vì) khác với chơi cồng chiêng của người Tây Nguyên ở chỗ: cồng của người dân tộc Mường (huyện Ba Vì) chế tạo có quai sách, khi chơi mỗi người xách một cồng, còn cồng ở Tây Nguyên, người ta treo bộ chiêng trên giá chiêng. Cồng chiêng của người Mường Ba Vì thì có núm ở giữa, cồng chiêng của người Tây Nguyên không có núm. Dùi chiêng của người dân tộc Mường (huyện Ba Vì) thường làm bằng gỗ tốt, có tiện một đầu to, dài 35-40cm, đầu bịt da động vật (như da con hoẵng), khi đánh vào chiêng lớp da bóng ánh lên trông rất đẹp. Ngày nay người ta bịt ở đầu dùi bằng vải đỏ.

Cồng chiêng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân tộc Mường huyện Ba Vì trong những dịp lễ hội, ngày tết, hiếu, hỉ... Bởi vậy, lối chơi cồng chiêng của người dân tộc Mường Ba Vì cũng đa dạng, nhiều bài, nhiều giọng, nhiều điệu. Tùy nhịp phách lúc nhanh, lúc chậm, lúc khoan thai nhịp nhàng hoặc rộn ràng. Đánh cồng cho hay, tiếng cồng có hồn là một nghệ thuật. Khi đánh, mỗi chiếc cồng phát ra một âm thanh khác nhau, từ âm cao nhất đến âm thanh trầm nhất. Chơi cồng hay phải là những nghệ nhân am hiểu thể hiện. Chẳng hạn, tiếng cồng đón giao thừa ngày tết thì rộn ràng, ngân vang, nhịp điệu dồn dập, tiết tấu từ thấp đến cao. Qua tiếng cồng người ta có thể hiểu được đó là tiếng cồng chúc phúc mọi nhà bước sang năm mới (nhân khang vật thịnh, bản làng đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương tươi đẹp hơn năm cũ). Tiếng cồng khai hội làng, bản thì tưng bừng, thúc giục mọi người mau chân tới sân của bản tham gia vui hội. Già, trẻ, gái, trai nghe tiếng cồng mà cảm nhận thông tin ở đó. Tiếng cồng còn thay thế cho lời tỏ tình của các chàng trai, cô gái trong những đêm trăng sáng ở sân nhà văn hóa bản. Tiếng cồng trong ngày cưới theo nhịp ba náo nức, tươi vui đánh đối đáp nhau khi hành tiến đưa cô dâu về nhà chồng. Tiếng cồng trong ngày cưới còn mang ý nghĩa cầu mong hạnh phúc cho đôi bạn trẻ.

Theo Phó chủ tịch Đinh Công Minh, cách diễn tấu cồng chiêng của người dân tộc Mường huyện Ba Vì mang tính biểu cảm sâu đậm nhằm diễn tả tình cảm nội tâm sâu lắng qua âm thanh của tiếng cồng, đậm chất trữ tình thiết tha sâu đậm. Nghệ thuật biểu diễn cồng chú trọng các cách luyến láy càng thể hiện âm sắc độc đáo mang tính biểu cảm cao, sự chuẩn xác của các nghệ nhân, giúp người nghe cảm nhận được nội dung từng điệu cồng. Đặc trưng của cồng người dân tộc Mường huyện Ba Vì là lối chơi kết hợp nhuần nhuyễn lối chơi tập thể, sự hài hòa trong từng cá nhân tạo nên sự thành công của đội cồng khi thể hiện từng giai điệu, trong các ngày lễ hội, hiếu, hỉ...

Ý thức gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật, những năm gần đây, cộng đồng người dân tộc Mường huyện Ba Vì nói chung, xã Minh Quang nói riêng dần khôi phục giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, tại xã Minh Quang có 4 đội cồng chiêng. Các nghệ nhân trong xã đang ngày đêm tích cực truyền dạy cho lớp trẻ nối tiếp những giá trị truyền thống quí giá. Phó chủ tịch Đinh Công Minh cho biết, các đội cồng chiêng của xã Minh Quang có cả già và trẻ đã đi biểu diễn ở nhiều nơi và đại diện cho huyện Ba Vì dự thi các hội diễn liên hoan văn nghệ, gặt hái được nhiều giải thưởng cao quí.

Có thể nói, ở một khía cạnh nào đó, nhạc cụ cồng chiêng của người dân tộc Mường (Ba Vì) đã và đang có những đóng góp quan trọng trong đời sống tinh thần và trở thành nền tảng, động lực giúp huyện Ba Vì nói chung và 7 xã có đông người dân tộc Mường ở huyện Ba Vì nói riêng vươn lên phát triển kinh tế, xã hội ngày một toàn diện hơn./.

H. Hải