![]() |
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Báo Công lý. |
Phó Thủ tướng mong muốn, tỉnh Long An và huyện Cần Đước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung vào các giải pháp đột phá, tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời triển khai tốt chương trình hành động của tỉnh về nông nghiệp-nông dân-nông thôn, tập trung chương trình đột phá về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục thực hiện chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ cho việc phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tỉnh Long An nói chung và huyện Cần Đước nói riêng cần tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, có các giải pháp khắc phục tốt các hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra như thiên tai, dịch bệnh, xâm nhập mặn, hạn hán; thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo bước chuyển biến mới trong lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Cùng với đó, nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
![]() |
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng hoa tri ân các mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: Báo Công lý. |
Từ một huyện thuần nông, đất hẹp, người đông, Cần Đước đã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng công nghiệp-thương mại-dịch vụ-nông nghiệp, tạo bước đột phá mới về kinh tế gắn với việc bảo đảm an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2005-2010), Cần Đước quyết định cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp, công nghiệp, thương mại-dịch vụ sang công nghiệp, thương mại-dịch vụ, nông nghiệp. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Dấu mốc quan trọng tạo nên điểm nhấn, động lực giúp Cần Đước đạt danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới chính là huyện đã xây dựng thành công huyện điểm điển hình về văn hóa đầu tiên của tỉnh vào năm 2015.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện là 46 triệu đồng/người/năm (năm 2005 là 7,5 triệu đồng); tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 7,06% xuống còn 1,97%; chất lượng giáo dục được nâng lên (huyện đã hoàn thành giáo dục phổ cập THPT); 17/17 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa…
(Theo TTXVN)