Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho lãnh đạo huyện Đan Phượng |
Chặng đường 10 năm qua, huyện Đan Phượng tự hào đạt được những thành tựu to lớn. Đây cũng là một trong những địa phương trên địa bàn Thủ đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, phát triển mạnh nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao, bền vững. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Đan Phượng bình quân là 14,7%, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 (theo giá hiện hành) gần 14 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4,3 lần so với năm 2000. Hiện cơ cấu kinh tế của Đan Phượng: nông nghiệp, thủy sản chiếm 14,26%, công nghiệp, xây dựng chiếm 44,07%, thương mại, dịch vụ chiếm 41,67%.
Nổi bật nhất trên lĩnh vực phát triển kinh tế phải kể đến sản xuất nông nghiệp. Phong trào thi đua lao động sản xuất nông nghiệp của Đan Phượng đang đi đúng hướng, bằng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Giá trị sản xuất bình quân 1 hécta đất canh tác năm 2000 đạt 28,6 triệu đồng thì đến năm 2010 đã đạt trên 80 triệu đồng/hécta. Nhiều dự án, mô hình kinh tế đang phát triển hiệu quả như mô hình trồng cam Canh, bưởi Diễn, sản xuất rau an toàn triển khai ở 9 xã, thị trấn với diện tích 55,7ha... Tương tự, lĩnh vực phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 10 năm qua đã đạt những thành tựu đáng kể. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện luôn duy trì mức tăng trưởng bình quân 22,47%/năm. Huyện đã xây dựng thành công cụm công nghiệp thị trấn Phùng, 4 điểm công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp làng nghề với tổng diện tích 77,8 ha, thu hút 54 doanh nghiệp và 456 hộ vào sản xuất kinh doanh. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển trở thành những điểm nhấn đã tạo đà thúc đẩy hoạt thương mại gia tăng nhanh chóng và giải quyết số lượng lớn việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện.
Các hoạt động văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện Đan Phượng trong 10 năm qua cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc. Nhiều phong trào thi đua nêu gương “người tốt, việc tốt”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng làng văn hóa, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa... thú hút đông đảo cán bộ và tầng lớp nhân dân tham gia. Đến năm 2010, toàn huyện có 64 làng, khu phố có nhà văn hóa; số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 86,5% tổng số gia đình trên toàn huyện. Nhiều công trình văn hóa lịch sử cách mạng được xây dựng, trong đó có 3 công trình: Sân vận động huyện, tượng đài Kỷ niệm Phong trào “Phụ nữ Ba đảm đang” và đền thờ danh nhân Tô Hiến Thành được gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cùng với đó, các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn huyện cũng không ngừng được quan tâm. Đến năm 2010 đã có 27 trường học được thành phố công nhận đạt chuẩn quốc gia; 13/16 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế...
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo biểu dương sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Đan Phượng. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng đúc rút các bài học kinh nghiệm đạt được trong giai đoan vừa qua, tập trung hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2011 làm cơ sở tạo đà phát triển cho những năm sau. Chủ tịch lưu ý, trong phát triển kinh tế, huyện Đan Phượng tích cực hơn nữa trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ, huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; ưu tiên xây dựng nông thôn mới, nước sạch, vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống của nhân dân...
Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Thế Thảo đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba và cờ thi đua Xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đan Phượng.
H. Hải