Tuy là vùng ven đô, nhưng, hạ tầng nông thôn của huyện Đan Phượng vẫn còn nhiều hạn chế. Đa số các địa phương chưa có quy hoạch chi tiết, đường làng ngõ xóm nhỏ bé và chưa được cứng hóa, tình trạng ô nhiễm môi trường trở thành bức xúc của nhiều thôn xóm. Để thiết thực xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã bàn bạc và thống nhất thực hiện chương trình “xây dựng thôn làng, khu phố văn hóa xanh - sạch - đẹp” trên địa bàn toàn huyện giai đoạn 2011-2015. Trong đó, mọi công việc đều hướng đến xây dựng và chỉnh trang hạ tầng, làm đẹp phố phường, đường làng ngõ xóm. Ngay trong năm 2010, huyện đã chọn 4 xã, mỗi xã chọn một thôn để làm điểm rút kinh nghiệm là Phương Đình, Liên Hồng, Tân Hội, thị trấn Phùng làm điểm.
Sau 8 tháng làm điểm, vừa qua, huyện đã sơ kết chương trình và bước đầu thu được nhiều thành công. Tại các thôn Phượng Trì của xã Liên Hồng, Phan Long của xã Tân Hội, Ích Vịnh của xã Phương Đình, Phượng Trì của thị trấn Phùng, dịp đầu xuân 2011 đã trồng được 577 cây xanh trên các đường trục thôn với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng. Riêng phố Phượng Trì, ngoài hỗ trợ của huyện, thôn còn đóng góp trên 6 triệu đồng mua cây giống trồng trên các trục đường, nhà văn hóa, sân vui chơi tạo cảnh quan, bóng mát. Số cây được trồng đều được các thôn cử người chăm sóc chu đáo, đang phát triển rất tốt. Ngoài trồng cây xanh, tại mỗi xóm làng, khu phố làm điểm, huyện còn hỗ trợ 15 thùng rác công cộng trên các tuyến đường trục chính, tạo thói quen bỏ rác vào thùng, đường làng ngõ xóm sạch sẽ.
Ông Nguyễn Tuấn Tú, Trưởng thôn Ích Vịnh cho hay, thực hiện chương trình điểm về xây dựng thôn làng, khu phố xanh, sạch, đẹp, dưới sự chỉ đạo của cấp trên, người dân trong thôn đã đoàn kết, đóng góp xây dựng các công trình cơ bản. “Năm 2010, dân Ích Vịnh tự nguyện đóng góp được hơn 800 triệu đồng làm 4 tuyến đường giao thông dài 1.600m, cơ bản cứng hóa đường giao thông trong các xóm. Xóm Trại đã làm đường giao thông rồi nhưng chưa có cống rãnh thoát nước vừa rồi cũng đã tiếp tục làm mới”. Cùng với Ích Vịnh, thôn Phan Long xã Tân Hội cũng đã được đầu tư kinh phí hơn 4 tỷ đồng bê tông hóa đường giao thôn trong thôn, trong đó nhân dân đóng góp được 150 triệu đồng. Ngoài đường giao thông, nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa cũng được tu tạo và phát huy giá trị như thôn Phan Long, hoàn thành việc phục hồi, xây dựng đình làng; thôn Phượng Trì trùng tu, tôn tạo di tích chùa Chổi; thôn Ích Vịnh tu bổ chùa Phổ Quang, nhà thờ họ đạo với kinh phí trên 40 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa. Các công trình phúc lợi công cộng được giữ gìn và cải tạo, nhà văn hóa thôn được sử dụng hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Có đường giao thông, nhà văn hóa… khang trang, các địa phương tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân không vứt rác ra đường và nơi công cộng. Ở các thôn, phố làm điểm, người dân đã quen với nếp duy trì tổng vệ sinh môi trường vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần; quyét dọn, tập kết rác, phế thải đúng nơi quy định. Đơn cử như tại thôn Phan Long, Ích Vịnh, phố Phượng Trì đã xây dựng được hệ thống thoát nước đồng bộ, rãnh thoát nước có nắp đậy đảm bảo vệ sinh. Tại thôn Ích Vịnh, 9 cụ trong Hội Người cao tuổi đã tự nguyện làm công tác giữ gìn, nhắc nhở người dân làm đẹp làng xóm. Cụ Nguyễn Văn Liệu, Trưởng ban công tác vận động xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư thôn Ích Vịnh phấn khởi cho biết: “Được huyện hỗ trợ 15 thùng rác công cộng, thôn đặt ở các trục đường chính. Từ đó, người dân ý thức bỏ rác vào thùng chứ không vứt ra đường nên xóm làng lúc nào cũng sạch đẹp. Sáng thứ 7 hàng tuần, toàn dân tổ chức tổng vệ sinh, tổ thu gom rác thì hoạt động vào các ngày chủ nhật”. Đến bây giờ thì đường sá của thôn đã rộng rãi, sạch sẽ, người dân đi thể dục buổi sáng ngay trong làng, không phải ra đường to, xe cộ nhiều mất an toàn.
Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Xuân Cửu, trên cơ sở những kết quả đạt được, Huyện ủy Đan Phượng đã ra Chỉ thị yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân rộng chương trình này ra toàn huyện. Trong đó, trọng tâm hướng đến là chỉnh trang xây dựng lại hạ tầng nông thôn, khu phố. Đối với các đoạn đường nhỏ, nếu có thể mở rộng được thì sẽ mở rộng, đặc biệt là tại những đoạn “thắt nút cổ chai”. Đường làng trục chính cũng có thể làm vỉa hè, trồng cây xanh, xây dựng hệ thống chiếu sáng… Đối với các đường cụt có thể thông liên hoàn thì cần xây dựng, quy hoạch để đường thông nhau… Ngoài chỉnh trang, xây dựng đường giao thông, huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các ao môi trường; xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt. Đồng thời, chỉ đạo quy hoạch và tăng cường trồng cây xanh; duy trì công tác vệ sinh môi trường…Từ mô hình điểm về xây dựng thôn làng, khu phố văn hóa, xanh, sạch, đẹp đã và đang được Đan Phượng nhân rộng, trở thành phong trào rộng lớn thực hiện thường xuyên, hiệu quả trên địa bàn.
Việt Hoàng