Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị TP. Hà Nội, huyện Đan Phượng tổng kết và nhân rộng các mô hình, cách làm hay có khả năng nhân rộng trong cả nước về xây dựng NTM. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Đan Phượng là huyện ngoại thành nằm cách trung tâm Hà Nội 20 km về phía Tây. Vị trí địa lý thuận lợi giúp huyện có nhiều điều kiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân, đóng góp không nhỏ vào xây dựng NTM trên địa phương.
Huyện Đan Phượng đã tạo được vùng chuyên canh hoa (308,107 ha), rau (113,34 ha), chuối (100,7 ha), đu đủ (81,24 ha), cam đường (5 ha), chăn nuôi quy mô lớn (20 ha), lúa-cá (32,15 ha), cây ăn quả (229 ha)... cho thu nhập khá ổn định từ 200-250 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai thành công nhiều mô hình trong lĩnh vực chăn nuôi (lợn siêu lạc, bò thịt BBB, bò lai sind, bò sữa), cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, chuyển đổi nghề, mô hình sản xuất lúa kết hợp nuôi cá (xã Tân Hội, Tân Lập)...
Ở Đan Phượng cũng có 5 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với hơn 530 doanh nghiệp, đã giải quyết việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp nhanh hơn, tăng thu nhập cho người dân.
Đến nay, thu nhập bình quân trên đầu người ở địa bàn huyện đạt 28,8 triệu đồng/người/năm (tăng 14,83 triệu đồng so với năm 2010, bằng 50% so với thu nhập bình quân của toàn TP. Hà Nội). Tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh từ 12,21% (năm 2010) xuống còn 2,2% (năm 2015).
Diện mạo nông thôn ở Đan Phượng cũng thay đổi mạnh mẽ với đường giao thông trải nhựa rộng rãi, nhà cửa của người dân khang trang, nhiều nơi vẫn giữ được cảnh quan đặc sắc của mảnh đất có nhiều truyền thống văn hóa.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Quyết định của Thủ tướng công nhận Đan Phượng là huyện NTM. Ảnh: VGP/Thành Chung. |
Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở Đan Phượng là 1.900 tỉ đồng, trong đó hơn 70% là từ vốn ngân sách Nhà nước.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị TP. Hà Nội, huyện Đan Phượng nhanh chóng tổng kết và nhân rộng các mô hình, các cách làm hay có khả năng nhân rộng trong cả nước về xây dựng NTM. Phấn đấu tới năm 2020, Hà Nội có 75% tổng số xã đạt chuẩn NTM.
Trong quá trình thực hiện, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao, coi đây là giải pháp trọng tâm và lâu dài giúp tăng thu nhập, xây dựng NTM.
Đi liền với đó, Hà Nội tăng cường hợp tác chia sẻ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, hợp tác sản xuất, liên kết gắn với thị trường.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị, cùng với xây dựng NTM, Hà Nội cần phối hợp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu, tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, tập trung thực hiện cho các xã còn khó khăn dựa trên sự huy động hợp lý sức dân.
Đến nay, Hà Nội đã có 141/401 xã đạt chuẩn NTM (đạt 35,16%). Ngoài ra, Hà Nội còn có 138/386 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí NTM; 119/386 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí NTM.
Tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn 2,89% năm 2014.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 28,6 triệu đồng năm 2014 (vượt 3,6 triệu đồng so với mục tiêu chương trình đề ra năm 2015); dự kiến hết năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm.
Thành Chung