Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao bằng công nhận nông thôn mới cho lãnh đạo huyện Lâm Thao. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Buổi lễ diễn ra tại thị trấn Lâm Thao với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo; ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ và các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ và huyện Lâm Thao.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có tính chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình nông thôn mới trong 5 năm qua, khẳng định xây dựng nông thôn mới thực sự là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và luôn nhận được sự tham gia tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội.
“Nông thôn mới đã trở thành hiện thực ở nhiều nơi. Qua xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp tăng trưởng ổn định; nông thôn khang trang, xanh, sạch đẹp hơn. Số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Đến nay, cả nước bình quân đạt 12,9 tiêu chí/xã, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Cả nước đã có 1.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 16,5% tổng số xã và 15 huyện được công nhận huyện nông thôn mới”, Phó Thủ tướng cho biết và khẳng định trong thành tích chung đó có sự đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Trong xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vui mừng khi nhận thấy tỉnh đã tập trung cao nhất cho phát triển sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 82,4 triệu đồng/ha, tăng thu nhập cho người dân nông thôn đạt 22,3 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chỉ còn 7,89%.
Tới nay, toàn tỉnh Phú Thọ đạt bình quân mỗi xã 12,1 tiêu chí, cao hơn mức bình quân trong khu vực, tăng 7,6 tiêu chí so với năm 2010 và có 19/247 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỉ lệ 7,7%, là tỉnh trung du miền núi không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Đối với Lâm Thao, Phó Thủ tướng đánh giá cao huyện đã phát huy lợi thế về giao thông, khơi dậy được tính năng động, sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, trở thành huyện đầu tiên của khu vực trung du miền núi phía Bắc đạt chuẩn nông thôn mới.
“Đây là niềm vinh dự, tự hào của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói chung, huyện Lâm Thao nói riêng”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Để đạt được mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII là toàn tỉnh có 2 huyện nông thôn mới và 124 xã đạt chuẩn vào năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị tỉnh Phú Thọ xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nên gắn với triển khai nghị quyết đại hội đảng các cấp và việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của toàn tỉnh, của từng ngành, từng cấp và đưa xây dựng nông thôn mới vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và bình xét thi đua hằng năm.
Phó Thủ tướng trao cờ thi đua của Chính phủ cho lãnh đạo huyện Lâm Thao. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Muốn xây dựng nông thôn mới bền vững thì phải dựa trên cơ sở phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, do đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, hình thành thương hiệu sản phẩm.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Phú Thọ thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; có giải pháp huy động tối đa các nguồn lực, có lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế và khả năng đóng góp của nhân dân. Đặc biệt, “không huy động quá sức dân, không huy động bắt buộc, nhất là đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Phú Thọ và huyện Lâm Thao tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để đời sống người dân phát triển bền vững.
Theo ông Hồ Đại Dũng, Bí thư huyện ủy Lâm Thao, lúc bắt đầu thực hiện chương trình nông thôn mới, trung bình số tiêu chí là 10,8 tiêu chí, cao hơn mức bình quân của toàn tỉnh Phú Thọ. “Tuy nhiên, khó khăn ban đầu của Lâm Thao là cán bộ và nhân dân tỏ ra hoang mang, không biết bắt đầu từ đâu, một số thì có tâm lý ỷ lại từ nguồn đầu tư của Nhà nước”, ông Dũng nói.
Nhận thấy đây là trở ngại lớn nhất, tỉnh Phú Thọ và lãnh đạo huyện Lâm Thao đã tập trung vận động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, lấy nhân dân làm trung tâm, chủ thể của việc thực hiện chương trình và từng bước xóa bỏ tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước.
Đi liền với đó, huyện Lâm Thao đã tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh của mỗi hộ gia đình, có tính toán tới liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Hầu hết các xã thuộc huyện đều có các sản phẩm đặc trưng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Tới nay, toàn huyện đã có 10/12 xã đạt tất cả các tiêu chí nông thôn mới theo quy định của Chính phủ. Hai xã còn lại cũng đã đạt được từ 16 tới 17 tiêu chí và dự kiến cũng hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2016.
Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trung bình 4,5%/năm với giá trị bình quân là 120 triệu đồng/ha, ở khu vực có liên kết sản xuất thì cho giá trị cao với 250 triệu đồng/ha, tăng 45 triệu đồng/ha so với năm 2010.
Nhờ sản xuất phát triển mà đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người dân là 33 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều mức thu nhập bình quân của người dân nông thôn của cả nước. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,8%, trên 77% dân số của huyện có bảo hiểm y tế và 95% người dân được sử dụng nước sạch.
Thành Chung