In bài viết

Huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

(Chinhphu.vn) - Nhờ thực hiện chương trình nông thôn mới, đến nay đời sống của người dân trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) đã được nâng lên rõ rệt với thu nhập tăng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh...

14/12/2022 17:25
Huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao - Ảnh 1.

Xã Hợp Thịnh là một trong 2 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Ảnh: bacgiang.gov.

Sau hơn 10 năm xây dựng, đầu năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 39/QĐ-TTg công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới. Với kết quả đạt được, năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 2 xã xã Hợp Thịnh và Xuân Cẩm đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Hiệp Hòa đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng diện mạo nông thôn phát triển giàu đẹp. Đi lên từ một huyện nghèo và có sự hỗ trợ của các cấp từ Trung ương đến cơ chế của huyện, nhưng thành công trong xây dựng nông thôn mới của Hiệp Hòa nòng cốt vẫn là sức dân. Nhờ có sự đồng lòng đóng góp, tham gia xây dựng ngày công, hiến đất làm đường… nên chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã về đích đúng như kỳ vọng.

Theo huyện Hiệp Hòa, tính đến hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm, tăng 35 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) còn 2%, giảm 8,48% so với năm 2011. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt gần 92%; số trường học chuẩn quốc gia đạt 95%; tất cả các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; hơn 93% số lao động trên địa bàn huyện có việc làm. 

Với những kết quả đó, ngày 10/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 39/QĐ-TTg công nhận huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng như đường làng ngõ xóm, liên thôn liên xã đều đã được bê tông hóa; diện mạo nông thôn từng bước "thay da đổi thịt", tình hình sản xuất nông nghiệp, kinh tế chung của huyện phát triển; đồng thời đã hình thành nên các vùng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với phương châm lấy dân làm gốc, là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới, vì vậy sau hơn 10 năm hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn với tổng kinh phí hơn 470 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 131 tỷ đồng và hiến gần 230 nghìn m2 đất, hơn 27,4 nghìn ngày công lao động.

Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện thành công dồn điền đổi thửa hơn 3,5 nghìn ha, xây dựng 33 cánh đồng mẫu lớn trồng lúa và rau màu, 37 mô hình nhà màng ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau ăn lá, dưa lưới, dưa lê phục vụ thị trường trong tỉnh và địa bàn lân cận… Các vấn đề về an ninh, trật tự xã hội được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tính đến tháng 11/2021, huyện Hiệp Hòa đã có 24/24 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 21 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mớ kiểu mẫu. Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 39/QĐ-TTg công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao - Ảnh 2.

Người dân huyện Hiệp Hòa kết hợp chăn nuôi và mô hình trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Năm 2023, huyện Hiệp Hòa phấn đấu có thêm 2 xã hai, xã Hợp Thịnh và Xuân Cẩm đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 14 thôn của 9 xã (Danh Thắng, Đại Thành, Hoàng Vân, Hợp Thịnh, Thái Sơn, Thanh Vân, Thường Thắng, Xuân Cẩm, Đoan Bái) đăng ký đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo kết quả rà soát, đánh giá các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023, hiện xã Hợp Thịnh, xã Xuân Cẩm đã cơ bản đạt một số tiêu chí như: Quy hoạch, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, lao động, hành chính công, tiếp cận pháp luật, chất lượng môi trường sống; quốc phòng và an ninh… 

Bên cạnh đó, một số tiêu chí còn thiếu, chưa đạt như: Tỷ lệ hộ gia gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn còn thấp; tỉ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; tỷ lệ dân số có sổ khám bệnh điện tử hiện đang triển khai thực hiện.

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực để tạo ra những đột phá mới trong phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là trung tâm động lực phát triển phía Tây tỉnh Bắc Giang và đạt đô thị loại IV vào năm 2025.

Thiện Tâm