Theo ý kiến của ông Nhật, việc nuôi cá đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, đồng thời cũng không ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước của địa phương. Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nhật đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết thỏa đáng để không gây thiệt hại cho người dân.
Về kiến nghị của ông Nhật, UBND huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định phản hồi như sau:
Từ năm 2012 đến nay, phong trào nuôi cá lóc tự phát trên đất vườn trong khu dân cư tại thị trấn Tam Quan phát triển mạnh. Hằng ngày, người nuôi cá sử dụng thức ăn cho cá đều là thực phẩm tươi sống (cá tươi), thải nước và khí thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, sinh hoạt của nhân dân trong khu vực.
Nhân dân thị trấn Tam Quan bức xúc, nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng, đồng thời qua các kỳ tiếp xúc cử tri, cử tri cũng kiến nghị kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp nuôi cá lóc gây ô nhiễm môi trường.
Trên cơ sở đơn phản ánh và kiến nghị của cử tri, UBND huyện Hoài Nhơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện và UBND thị trấn Tam Quan kiểm tra. Qua đó nhận thấy, người nuôi cá lóc tại thị trấn Tam Quan đã có các hành vi vi phạm hành chính như sử dụng đất không đúng mục đích; khai thác nước ngầm vượt mức cho phép và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Do đó, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND thị trấn Tam Quan phối hợp với Ủy ban Mặt trận và các hội, đoàn thể vận động người nuôi cá chấp hành quy định của pháp luật trong nuôi cá; đồng thời lập thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Như vậy, UBND huyện Hoài Nhơn chỉ chỉ đạo xử lý đối với các trường hợp nuôi cá lóc không tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường.
Chinhphu.vn