In bài viết

Huyện Kim Sơn đón nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

(Chinhphu.vn) - Tối 18/11, Huyện ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Kim Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

18/11/2023 21:31
Huyện Kim Sơn đón nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Kim Sơn đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng đông đảo bà con nhân dân huyện Kim Sơn tham dự buổi lễ.

Trong diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn Trần Xuân Trường điểm lại những dấu mốc lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển, cũng như kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Kim Sơn.

Theo đó, năm 1829, từ khát vọng "Khẩn ruộng hoang để yên nghiệp dân nghèo", Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng các vị chiêu, nguyên, thứ mộ bằng công sức, trí tuệ, mồ hôi và nước mắt đã khai hoang, lập ấp, biến vùng bãi bồi ven biển hoang vu, đầy lau sậy, sình lầy, thành hàng nghìn mẫu ruộng màu mỡ, những làng, ấp, trù phú, mở đầu cho sự hình thành và phát triển của huyện Kim Sơn ngày hôm nay.

Trải qua 194 năm, với 9 lần quai đê lấn biển cùng với phương châm "Lúa lấn cói, cói lấn sú vẹt, sú vẹt lấn biển", huyện Kim Sơn hiện nay có diện tích trên 239 km², dân số gần 200.000 người, trong đó có gần 50% dân số là người theo đạo Công giáo.

Phát huy truyền thống của ông cha, người dân Kim Sơn không sờn lòng trước thiên nhiên khắc nghiệt, vượt lên mọi khó khăn gian khổ, mất mát, hy sinh để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày một khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; an sinh xã hội được quan tâm, các giá trị văn hoá truyền thống được bảo tồn và phát huy…

Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 61 triệu đồng, gấp 5 lần so với năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%.

Sản lượng lúa bình quân hàng năm đạt trên 100.000 tấn, sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản bình quân đạt trên 35.000 tấn/năm. Các mô hình liên kết, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩn nông nghiệp được hình thành phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người sản xuất.

Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện có cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong huyện và các huyện lân cận, với quy mô 200 giường bệnh. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%.

100% các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT của huyện Kim Sơn luôn xếp ở thứ hạng cao trong tỉnh Ninh Bình.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa được triển khai thực hiện tốt, huyện có 06 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 33 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát văn, ca trù, hát xẩm... được quan tâm phục hồi, phát triển.

Việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện Kim Sơn đạt chuẩn nông thôn mới là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Kim Sơn, khẳng định bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc của huyện Kim Sơn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, hội nhập và phát triển đất nước.

Kim Sơn là đơn vị cấp huyện cuối cùng của tỉnh Ninh Bình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng là huyện đầu tiên thực hiện theo tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2026. Tỉnh Ninh Bình đang tập trung hoàn thành tiêu chí nông thôn mới trong năm 2024.

Đến nay, cả nước có 5 tỉnh: Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./.

Hải Minh