In bài viết

Huyện Phú Xuyên: Phát triển làng nghề, trang trại khởi sắc nông thôn mới

HNP - Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên đang tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là phát triển làng nghề và kinh tế trang trại. Sự kết hợp hài hòa giữa thế mạnh cùng cơ chế, chính sách thông thoáng và nỗ lực của người dân đã, đang tạo nên diện mạo mới cho những làng quê thuần nông nơi đồng trũng Phú Xuyên.

26/01/2012 21:15


Phú Xuyên là một huyện thuần nông, dân cư sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều năm qua, tận dụng thế mạnh đất đai, Huyện ủy Phú Xuyên đã xây dựng Nghị quyết, chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, coi trọng duy trì, bảo tồn và phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại nhằm nâng cao đời sống cho nông dân.

Chỉ đạo của Huyện ủy đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo khí thế mới trong lao động, sản xuất. Ngày nay, nhắc đến mảnh đất vùng trũng Phú Xuyên là nhớ ngay đến những làng nghề truyền thống nổi tiếng cả nước như khảm trai Chuyên Mỹ, giày da Phú Yên, may mặc Vân Từ, mây giang đan Phú Túc, đồ gỗ cao cấp Tân Dân, Văn Nhân... Hiện, Phú Xuyên là huyện có nhiều nghề và làng nghề truyền thống với 98 làng có nghề/138 làng (chiếm 71%), trong đó có 37 làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí thành phố với những nhóm nghề như sơn mài, khảm trai, mây giang đan, đồ gỗ, da giày... Nhiều sản phẩm của các làng nghề đã và đang xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Giá trị làng nghề cũng tăng qua từng năm và đóng góp giá trị lớn vào cơ cấu kinh tế chung của huyện. Thống kê từ năm 2005 đến nay, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tăng bình quân 18,2%/năm. Năm 2010, giá trị sản xuất đạt gần 1.200 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tiến bộ theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, TTCN, dịch vụ. Khu vực làng nghề đã giải quyết việc làm cho 70% lực lượng lao động nông thôn. Đơn cử như khảm trai Chuyên Mỹ thu hút 95% lao động nông thôn; làng nghề xã Phú Túc thu hút 65% lao động; làng nghề da giày xã Phú Yên thu hút trên 60% lao động...

Đối với kinh tế trang trại, những năm gần đây, tốc độ phát triển mô hình làm ăn kiểu mới ở huyện Phú Xuyên diễn ra khá nhanh, đặc biệt là phát triển kinh tế trang trại. Năm 2000, huyện mới có 14 trang trại với tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là 110ha, đến nay huyện đã có 254 trang trại, vườn trại xây dựng theo mô hình làm kinh tế VAC, đạt thu nhập bình quân tương đương với trang trại chuyên canh quy mô lớn. Ngoài ra, diện tích nuôi cá khoảng gần 1.400ha, với sản lượng hơn 7.000tấn/năm; diện tích nuôi baba 3,3ha với sản lượng 3,3 tấn/năm... cũng là những điểm mạnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân.

Trong định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Phú Xuyên đặt ra nhiệm vụ xây dựng quy hoạch nông nghiệp, làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, để mở rộng sản xuất, các chủ trang trại huyện Phú Xuyên tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư thâm canh, xây dựng chuồng trại, mua con giống, mua sắm phương tiện, vật tư chăn nuôi gia súc... Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn mở rộng tục mở rộng mô hình bưởi Diễn, lúa chất lượng cao, dưa chuột bao tử; nâng diện tích nuôi trồng thủy sản; nâng số lượng tổng đàn gia cầm, thủy cầm; triển khai dự án giết mổ gia súc tại xã Tri Thủy và Quang Lãng; quy hoạch các vùng trồng rau an toàn, trồng hoa cây cảnh...

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai công tác quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp làng nghề giai đoạn 2010-2015, đồng thời dành kinh phí hỗ trợ để các làng nghề đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hướng các làng nghề phát triển theo hướng hiện đại, có quy mô, có thị trường. Tại các xã, thị trấn sẽ mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về kinh tế hội nhập, maketing, xây dựng văn hóa trong kinh doanh; quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hình ảnh làng nghề thông qua các hoạt động du lịch. Huyện sẽ hỗ trợ các làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; từng bước triển khai xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, xây dựng trung tâm thương mại làng nghề tập trung; thành lập các quỹ tín dụng nhân dân tại các xã nghề để hỗ trợ vay vốn cho nông dân; phát triển mạng lưới giao thông… Phú Xuyên phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt bình quân từ 13 đến 15%/năm.

Tuy nhiên, để hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa giá trị cao, bảo đảm thu nhập cho nông dân, những năm tới huyện Phú Xuyên phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế như quy mô làng nghề vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mẫu hàng còn đơn điệu; nhiều làng nghề chưa xây dựng được thương hiệu; đầu ra cho nông sản ở các trang trại; nguồn vốn; tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật... Ngoài ra, thành phố và trung ương cần có cơ chế, chính sách tầm vĩ mô để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các làng nghề; các chủ trang trại tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, mặt bằng, thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư, thu hút nguồn lao động chất lượng cao; chính quyền các xã, thị trấn chủ động trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch làng nghề, trang trại, tận dụng triệt để nguồn lực về đất đai, lao động...

H. Hải