Tạo hóa đã ban tặng cho Quốc Oai cảnh đẹp hùng vĩ, thế núi, thế sông duyên dáng như bức tranh thủy mặc. Hiếm thấy nơi nào giữa vùng đồng bằng lại có hệ thống núi đá vôi nổi lên giữa những cánh đồng lúa bát ngát tựa như những hòn đảo nhấp nhô trên biển cả. Trên những núi này với nhiều hang động đẹp trở thành danh lam thắng cảnh của vùng đất xứ Đoài ngàn năm văn hiến. Cách đây gần 200 năm, nhà bác học, nhà văn hóa Phan Huy Chú, viết về quê hương mình trong “Lịch triều hiến chương loại chí” như sau: “Quốc Oai đúng là nơi vui vẻ ở phía Tây. Khu vực này có hình thế núi sông, có khí thế hùng hậu".
Tầm vóc của Quốc Oai không chỉ có những cảnh đẹp làm đắm say lòng người, xưa kia nơi đây còn nổi tiếng với nhiều đặc sản quý. Sách "Sơn Tây tứ dị" - tức Sơn Tây có 4 vật lạ, trong 4 vật lạ ấy Quốc Oai có tới 3 (Cá chép ở Cấn Xá, Dơi ngựa ở Sài Sơn, Cua đồng ở Khánh Hiệp), thể hiện qua những vần thơ:
"Cấn Xá chi lý ngư
Sài Sơn chi biển bức
Khánh Hiệp chi kỳ bành
Linh Chiểu chi úng thái”.
Nằm trong cái nôi xứ Đoài, Quốc Oai dày đặc các di tích lịch sử văn hóa, đây là những tài sản vô giá. Qua thống kê, Quốc Oai có hơn 200 di tích các loại, trong đó có 69 di tích đã được xếp hạng với 31 di tích cấp bộ, 38 di tích cấp Thành phố. Nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng từ thời Lê, thời Lý với hàng nghìn di vật, cổ vật có niên đại cách đây hàng nghìn năm đang được lưu giữ, trùng tu như Chùa Thầy, Đình So, Đình Cấn, Đình Ngọc Than, Đình Phú Mỹ, Chùa Lâm, Chùa Cấn Thượng… Tiêu biểu là Chùa Thầy, một trong những ngôi chùa cổ nhất thời kỳ còn ở tỉnh Hà Tây cũ, Đình Ngọc Than được các nhà nghiên cứu coi là hiện tượng duy nhất ở Việt Nam với lối kiến trúc cổ truyền dân tộc.
Quốc Oai có 57 lễ hội truyền thống với nhiều nét đẹp văn hóa, tiêu biểu là lễ hội Chùa Thầy, hội hát Dô, hát ví Hàm Rồng... Trong 5 năm qua, cùng với sự vươn lên phát triển kinh tế, xã hội, cán bộ và nhân dân huyện Quốc Oai đã dành nhiều công sức, tiền của tu sửa, tôn tạo, bảo tồn các di tích với kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Riêng năm 2010, được sự quan tâm của thành phố, Quốc Oai đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng tu sửa, chống xuống cấp Đình Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ) và đền Khánh Xuân (xã Liệp Tuyết).
Nét nổi bật trong các lễ hội ở Quốc Oai là thực hiện theo đúng các nghi lễ truyền thống, không pha tạp, lai căng, bảo đảm an ninh trật tự... Điều đó thể hiện qua Lễ hội Chùa Thầy diễn ra vào ngày mồng 7 tháng 3 hàng năm, đây là lễ hội có quy mô lớn trong năm, vì vậy công tác quản lý được các ngành chức năng và chính quyền xã Sài Sơn quan tâm giữ gìn sự tôn nghiêm của quần thể khu di tích. Với Lễ hội hát Dô (xã Liệp Tuyết), trước đây cứ 36 năm mới mở một lần, mỗi khi tổ chức xong các sách ghi bài hát lại được niêm phong cẩn thận tại đình, đền của mỗi thôn, không ai được phép hát lại dù chỉ một câu cho đến lần mở hội sau. Có lẽ vì những luật lệ nghiêm ngặt đó nên hát Dô chưa được lưu hành rộng rãi so với các loại dân ca khác, thêm vào đó là chiến tranh, điều kiện kinh tế khó khăn nên những làn điệu hát Dô đã không được duy trì và có nguy cơ bị mai một. Kể từ năm 2000, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, nhất là sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện và những nỗ lực của xã Liệp Tuyết, Câu lạc bộ Hát Dô được thành lập và đi vào hoạt động rất sôi nổi phát huy giá trị văn hóa phi vật thể “Hội hát Dô”. Cùng với hát Dô, câu hát ví người Mường hòa nhịp cùng tiếng cồng, điệu chiêng của cư dân xã Phú Mãn, xã Đông Xuân nhiều năm trước không còn vang vọng thì nay đang cất cao những thanh âm trong trẻo, rộn vui. Những chiếc cồng, chiêng đã được tập hợp lại thành những bộ cồng chiêng đầy đủ trong mỗi thôn, làng để phục vụ lễ hội của địa phương và các lễ trọng đại diễn ra trên địa bàn huyện. Tương tự, việc củng cố, khôi phục lại hoạt động của đội Tuồng Dương Cốc (xã Đồng Quang), phát triển chiếu chèo với dự án “Sân khấu học đường” ở xã Đại Thành, Câu lạc bộ hát chèo ở xã Phú Mãn, từng bước đưa loại hình ca trù trở lại với đời sống của người dân xã Phượng Cách cũng đem lại nhiều kết quả khả quan trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.
Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, những năm gần đây, Quốc Oai cũng đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra và được thành phố đánh giá cao. Trong năm 2010, toàn huyện có 69 làng và 32 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt danh hiệu làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Hàng năm có trên 95% số hộ gia đình đăng ký và có trên 85% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Huyện đã xóa trắng các xã không có làng văn hóa theo Chương trình số 10 của Huyện ủy Quốc Oai về thực hiện Kết luận số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đạm đà bản sắc dân tộc”.
Nhận rõ, di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Vì vậy, không chỉ chính quyền mà trong mỗi người dân Quốc Oai đã và đang tự nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các di sản, giá trị văn hóa hiệu quả nhất làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế, xã hội trong cuộc sống hiện đại hôm nay./.
H. Hải