In bài viết

Indonesia điều chỉnh chính sách thu hút FDI

(Chinhphu.vn) - Để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Indonesia đã cho phép mở cửa nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực gồm giao thông vận tải, y tế, du lịch, kinh tế sáng tạo và tài chính.

11/02/2014 09:49

Thông báo của Chủ nhiệm Ủy ban Điều phối Đầu tư Quốc gia Indonesia (BKPM) Mahendra Siregar cho biết quy định mới cho phép các nhà đầu nước ngoài nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của mình trong một số hoạt động kinh doanh liên quan trong bốn lĩnh vực nói trên.

Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông vận tải, các nhà đầu tư nước ngoài được phép tiến hành hoạt động kinh doanh trong cung cấp và tổ chức các nhà ga trên mặt đất, nhất là các nhà ga hành khách và kho vận tải, kiểm tra và giám định xe cơ giới với tỷ lệ sở hữu tối đa lên tới 49%.

Trong lĩnh vực y tế, sở hữu cổ phần nước ngoài tối đa trong ngành công nghiệp dược phẩm được mở rộng từ mức 75% lên 85%. Về du lịch và kinh tế sáng tạo, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu được tham gia vào hoạt động quảng cáo, trong đó tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho các nhà đầu tư đến từ các nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á lên tới 51%. Trong lĩnh vực tài chính, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong kinh doanh đầu tư mạo hiểm được nâng từ mức hiện hành 80% lên 85%.

Ông Mahendra Siregar cho biết thêm rằng quy định mới còn nới lỏng hạn chế đối với đầu tư nước ngoài tùy theo khu vực địa lý đối với một số hoạt động trong lĩnh vực thương mại như phân phối, kho bãi và bảo quản đông lạnh. Chẳng hạn, tỷ lệ sở hữu cổ phần nước ngoài tối đa trong khâu phân phối, kho bãi và bảo quản đông lạnh ở Bali, Javaf và Sumarta là 33%, nhưng lại lên tới 67% tại Kalimantan, Maluku, Nusa Tenggara, Papua và Sulawesi.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Hatta Rajasa cho biết, Chính phủ Indonesia quyết tâm duy trì tăng trưởng kinh tế thông qua khuyến khích đầu tư, xây dựng Indonesia thành nhà nước “thân thiện với đầu tư” trong tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia đã thành lập Hội đồng đặc khu kinh tế quốc gia để đánh giá tiềm năng của các khu vực có thể trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của đất nước, trong đó trước mắt là các cụm công nghiệp Riau, Bắc Sumatra, Đông Kalimantan, Đông Java và Merauke chuyên sản xuất các sản phẩm dầu-khí và nông nghiệp.

Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Dựa vào thị trường lớn với 240 triệu dân, Indonesia đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Từ năm 2008 đến năm 2010, kinh tế Indonesia lần lượt tăng trưởng với mức 6%, 4,6% và 6,1%, trong khi cùng thời kỳ này, các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới lại lún sâu vào suy thoái.

Những năm gần đây, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất khẩu của Indonesia trượt dốc, thâm hụt trong cán cân thương mại mở rộng, lạm phát gia tăng… Trong tình hình này, để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Chính phủ Indonesia đã tuyên bố nới lỏng hạn chế đầu tư của vốn nước ngoài trong một số lĩnh vực nhằm kích thích nền kinh tế tăng trưởng.

Indonesia mấy chục năm trước đây đã công bố Danh mục hạn chế đầu tư nước ngoài, quy định một loạt ngành nghề thuộc diện “nhạy cảm”, hạn chế mở cửa với vốn đầu tư nước ngoài như nông nghiệp, khai khoáng, vận tải biển và du lịch nhằm bảo vệ các ngành nghề trong nước. Theo chính sách mới công bố cuối năm 2013, vốn đầu tư nước ngoài vào các công ty dược phẩm Indonesia có thể được nâng từ 75% lên tới 85%, ngành quảng cáo từ 49% lên tới 51%, điện lực từ 95% lên tới 100%.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xếp "Đất nước vạn đảo” là nền kinh thế lớn thứ 18 trên thế giới với GDP năm 2012 là 800 tỷ USD và có thể đạt 1.000 tỷ USD trong năm 2014. Nhiều nhà kinh tế quốc tế cho rằng Indonesia có thể tham gia nhóm các quốc gia có nền kinh tế mới nổi phát triển nhất (BRICS) gồm Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi, những nước được dự báo sẽ trở thành những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050.

                                                          Nguyễn Chiến