In bài viết

Indonesia trên con đường trở thành cường quốc kinh tế

(Chinhphu.vn) - Vào cuối tháng 3/2013, Citi Research đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế Indonesia, trong đó tổ chức nghiên cứu này dự báo “quốc gia vạn đảo” có thể trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025 nếu tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa.

26/06/2013 09:31

Indonesia đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới nếu tính theo GDP.

Trong Kế hoạch Đẩy mạnh và Mở rộng Phát triển Kinh tế Tổng thể (MP3EI) công bố hồi cuối tháng 5/2011, chính quyền của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã đặt mục tiêu đưa nước này trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025.  

Các mục tiêu khác trong bản kế hoạch này gồm nâng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn 2015-2025 lên từ 8 đến 9%/năm, tăng GDP lên mức 4.500 tỷ USD/năm và thu nhập bình quân đầu người từ mức 3.000 USD/người/năm trong năm 2011 lên 15.000 USD và giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn 3% vào giữa thập kỷ tới.

Mới đây nhất, tổng thống nước này đã phê chuẩn kế hoạch phát triển trong 5 năm tới có tên gọi "Tầm nhìn 2014" nhằm thực hiện  các mục tiêu đề ra và đặt nền móng cho sự phát triển  trong giai đoạn tiếp theo hướng tới mục tiêu lọt vào top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025. 

Mặc dù việc lọt vào danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới là một cuộc phấn đấu đầy khó khăn, nhưng theo các chuyên gia phân tích, đó không phải là một mục tiêu viển vông của người Indonesia bởi vì sức bật của nền kinh tế này rất lớn. 

Vào cuối thế kỷ trước, Indonesia là nước bị thiệt hại nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Khi đó, nền kinh tế này đã đứng bên bờ vực sụp đổ do các nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ rút vốn ồ ạt, khiến đồng rupiah rơi tự do so với USD, từ mức 2.600 rupiah/USD vào cuối năm 1997 xuống còn khoảng 17.000 rupiah/USD trong một vài tháng sau đó. Trong giai đoạn 1997-1998,  kinh tế của quốc gia vạn đảo đã suy giảm tới 15%. Tuy nhiên, nhờ các cuộc cải cách cơ cấu và chính sách kinh tế đúng đắn, “quốc gia vạn đảo” đã phục hồi một cách thần kỳ. Trong giai đoạn 2000-2010, Indonesia đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân 5,231%. Chỉ trong 14 năm, GDP của nước này đã tăng gần 10 lần, từ mức 105,469 tỷ USD năm 1998 lên 706,735 tỷ USD vào năm 2010 và hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2012.  

Trong những năm gần đây, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, Indonesia vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế cao. Năm 2011, nước này đạt tốc độ tăng trưởng 6,5%. Năm ngoái, dù đà tăng trưởng chậm lại nhưng quốc gia Đông Nam Á này vẫn phát triển với tỷ lệ 6,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2000-2010. 

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong các năm tới, đà tăng trưởng của Indonesia sẽ không suy giảm. Trong báo cáo triển vọng kinh tế Indonesia công bố hồi cuối tháng 3/2013, WB dự báo năm nay, nước này sẽ tăng trưởng 6,2%. Nếu dự báo này chính xác, đây sẽ là năm thứ tư liên tiếp nền kinh tế này tăng trưởng với tốc độ hơn 6%. Báo cáo này có đoạn: “Đầu tư sẽ tiếp tục là nguồn lực chính cho tăng trưởng kinh tế nhưng có khả năng sẽ giảm nhẹ ở một mức độ nhất định so với tốc độ tăng trong năm 2012”. 

Trước đó, trong báo cáo công bố hồi tháng 7/2011, hãng nghiên cứu Nomura của Nhật Bản cũng dự báo  “quốc gia vạn đảo” sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm trong vòng 5 năm tới và “động lực tăng trưởng hiện tại sẽ được tăng cường nhờ các cuộc cải tổ  và tiến bộ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng”. 

Nhờ tăng trưởng cao liên tục, năm 2012, Indonesia đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới nếu tính theo GDP danh nghĩa và lớn thứ 15 thế giới theo tiêu chí sức mua tương đương (PPP).  

Không những vậy, Indonesia đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong lúc nhiều nước châu Á đang phải chật vật để níu kéo các dòng vốn FDI, Indonesia lại nổi lên như một điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới. Năm 2012, nguồn vốn FDI đổ vào nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã đạt mức cao kỷ lục hơn 21 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm trước đó và chiếm 69,8% trong tổng nguồn vốn đầu tư ở nước này.  

Trong báo cáo của mình, Citi Research nhấn mạnh: “Quy mô  thị trường và triển vọng tăng trưởng của Indonesia đang và sẽ là những nhân tố quan trọng nhất thu hút các nhà đầu tư. Điều này lý giải vì sao dòng vốn FDI vào Indonesia lại tăng trưởng với tốc độ lên tới 128% trong giai đoạn 2009-2012”.  

Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dòng vốn FDI chảy vào Indonesia sẽ đạt tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới, nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và sự tăng trưởng kinh tế cao và ổn định của "quốc gia vạn đảo".  

Mặc dù đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của Indonesia nhưng phần lớn các chuyên gia phân tích đều có chung nhận định rằng Indonesia vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trước khi có thể hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng của mình.  

Thách thức đầu tiên là Indonesia thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bất ổn chính trị và chủ nghĩa khủng bố mà nguyên nhân một phần do sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo ở quốc gia đạo Hồi lớn nhất thế giới này. Theo thống kê chưa đầy đủ, có hàng trăm nhóm dân tộc bản địa khác nhau sống trên khoảng 17.508 đảo của Indonesia, trong đó Java là nhóm dân tộc lớn nhất chiếm khoảng 40,6% số dân nước này. Trong quá khứ, nước này luôn phải đối mặt với các phong trào đòi độc lập ở một số tỉnh, nhất là sau khi Timor Leste đã thành công trong việc ly khai khỏi Indonesia vào năm 1999. 

Cùng với nguy cơ bất ổn về chính trị, một thách thức khác đối với Indonesia là tình trạng bất ổn về kinh tế đang có xu hướng gia tăng. Nền kinh tế này đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao. Trong tháng 2/2013, tỷ lệ lạm phát ở nước này đã tăng lên 5,3%, mức cao nhất trong 20 tháng qua, sau khi các quy định cấm nhập khẩu một số mặt hàng lương thực đã đẩy giá các mặt hàng này tăng cao. WB dự báo lạm phát ở nước này sẽ đạt 5,5% trong năm nay và sẽ giảm trở lại 5,2% vào năm 2014. 

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kém phát triển là một thách thức khác cản trở việc thực hiện mục tiêu lọt vào danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất kinh tế của Indonesia. Trong báo cáo gần đây, WB đã cảnh báo rằng các rủi ro đối với tăng trưởng của Indonesia đang gia tăng do sự thất bại trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, theo WB, đầu tư có thể “sẽ phải đối mặt với những bất lợi từ sự không rõ ràng về pháp luật và sự xáo trộn về chính trị hiện nay và có thể gia tăng trong thời gian tới khi các cuộc bầu cử năm 2014 đang tới gần”. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia phân tích, tình trạng tham nhũng, đói nghèo và khoảng cách giàu nghèo cũng là những thách thức khác mà Jakarta đang phải đối mặt trong việc thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc kinh tế./.  

  Nguyễn Chiến