In bài viết

INFOGRAPHIC: 3 năm thực hiện Nghị quyết ‘thuận thiên’

(Chinhphu.vn) - Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Công, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho phát triển ĐBSCL.

13/03/2021 07:00
Kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng tạo sức mạnh tổng hợp. Xem hình lớn hơn TẠI ĐÂY

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá 03 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu cho biết, chủ trương thuận thiên từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương vùng ĐBSCL, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Dù thời gian triển khai thực hiện chưa dài, nhưng đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu rất quan trọng.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhắc tới 5 nhóm kết quả nổi bật.

Kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một tổng thể thống nhất, kết nối liên vùng tạo sức mạnh tổng hợp

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo 4 lĩnh vực chính: i) Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; ii) Hạ tầng và kỹ thuật môi trường; iii) Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; iv) Chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải (logistics) liên quan.

Qua đó góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông) để nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới; sửa đổi chính sách đất đai gỡ các nút thắt nhằm tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư . Ban hành Khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng ĐBSCL làm căn cứ để thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL.

Phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp đa ngành, dựa vào lợi thế của các vùng tự nhiên, quán triệt quan điểm thuận thiên của Nghị quyết; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của 13 tỉnh, thành phố của vùng; đang thực hiện các thủ tục để triển khai lập quy hoạch tỉnh. Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ; Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 , bao gồm việc nghiên cứu, xây dựng chương trình thí điểm phát triển đô thị thông minh vùng ĐBSCL; điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phát triển vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng các công trình biển đảo đến năm 2025 để thúc đẩy phát triển, sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng cho các công trình ven biển, hải đảo; Hiện đại hóa thủy lợi vùng ĐBSCL; Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.

Phê duyệt và triển khai như Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2018-2020 thực hiện tại các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ cho 44.811 hộ dân. Đã hoàn thành 863 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có, sẵn, đảm bảo cho 191.000 hộ dân, với gần 1 triệu người dân vùng ngập lũ ĐBSCL được sống an toàn, ổn định và từng bước phát triển bền vững. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch trung bình vùng đạt khoảng 89,6% (tăng 1,5% so với năm 2017), tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình đạt 22,5% (cao hơn 4% so với mực trung bình cả nước).

Các Bộ đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng, như chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trở thành hạt nhân cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải cách hành chính nhằm thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư triển khai các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo… đã làm thay đổi bộ mặt của vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.

Các địa phương đều thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế tự nhiên của vùng. 

Khơi thông, thúc đẩy nguồn lực đầu tư công làm hạt giống, dẫn dắt đầu tư của khối doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cho phát triển bền vững ĐBSCL. Xem hình lớn hơn TẠI ĐÂY

Chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên

Các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường điều tra, khảo sát, cảnh báo, dự báo trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương thuận thiên của Nghị quyết, thể hiện ở những mặt sau đây:

Tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, biến động bùn cát, đo mưa tự động. Toàn vùng có 408 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất. Qua đó đã nâng cao công tác dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai cả về chất lượng và thời gian dự báo, cảnh báo, góp phần quan trọng trong các giải pháp thích ứng như: tích nước, chuyển đổi thời vụ canh tác, cơ cấu lại cây trồng - vật nuôi, gia cố bảo vệ nhà cửa, cơ sở sản xuất… Nhờ dự báo, cảnh báo sớm, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp hiệu quả, hạn chế được tối đa tác động xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất tại vùng ĐBSCL. Riêng trong đợt hạn mặn 2019-2020, mặc dù mức độ khắc nghiệt và diện rộng hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, tuy nhiên nhờ sự chủ động trong dự báo và kịp thời hành động trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã góp phần giảm 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng so với năm 2015-2016.

Chủ động điều tra, khảo sát thăm dò, tìm kiếm và tổ chức khai thác hợp lý nguồn nước để cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ĐBSCL trong mùa khô và các đợt xâm nhập mặn. Đã điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 32 vùng trên phạm vi 7 tỉnh của vùng ĐBSCL gồm: Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh với tổng số 35 công trình khai thác có tổng lưu lượng khai thác 33.000 m3/ngày đêm, có thể cung cấp cho trên 333.000 người dân. Đến nay đã bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng ĐBSCL cùng hàng chục giếng khoan để các địa phương đầu tư, xây dựng thành các công trình cấp nước tập trung. Bên cạnh đó, các địa phương công bố tình huống khẩn cấp về về hạn mặn đã được hỗ trợ trực tiếp hàng trăm triệu đồng thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để khắc phục các hậu quả. Đặc biệt, trong các đợt hạn mặn năm 2020 đã triển khai xây dựng nhiều điểm nguồn cấp nước khẩn cấp, riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ 10 điểm với tổng công suất xử lý và cung cấp là 3.700 m3/ngày đêm, cung cấp được cho 62.000 người ở 7 tỉnh chống hạn, mặn cho ĐBSCL.

Chuyển đổi kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh theo thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng; từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế; tăng cường kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nội địa và tạo nguồn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ. Theo thống kê sơ bộ, đã có 1.165 dự án khoảng 280.000 tỷ đồng (tương đương trên 12 tỷ USD) được các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL để thực hiện liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Tổng diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL là 4,19 triệu ha, chiếm 54,3% diện tích cả nước; tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới (gạo ST25 liên tục đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới), đồng thời năm 2020 nông dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL rất phấn khởi đã đóng góp quan trọng vào thành công của xuất khẩu gạo cả nước với sản lượng xuất khẩu 6,2 triệu tấn, đạt 3,12 tỷ USD (tăng 11,2% so với năm trước). Năm 2019, diện tích nuôi cá tra đạt 6.000 ha, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn, nhu cầu giống thả nuôi khoảng 3-4 tỷ con; toàn vùng có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, khoảng 4.000 hộ ương cá giống với diện tích khoảng 3.500 ha, tập trung chủ yếu tại Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, số lượng giống sản xuất được gần 4 tỷ con. Diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 669.000 ha, chiếm 92,9% diện tích cả nước; năm 2019, sản xuất khoảng 16 tỷ con giống, đáp ứng được 45% nhu cầu thả nuôi. Hiện có khoảng 335,4 ngàn ha cây ăn quả, chiếm 36,3% diện tích cả nước, gồm các cây trồng chủ yếu như: thanh long, xoài, cam, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, dứa…, nhiều giống cây ăn quả khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện vùng ĐBSCL đã được đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.

Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, năm 2020 nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả khả quan trong xuất khẩu, trong đó các sản phẩm lúa gạo, nông sản, thủy sản đã trở thành một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức tỷ USD. Riêng tỉnh An Giang, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 928,150 triệu USD, tăng 4,29% so với năm 2019, riêng với gạo, thu về 270 triệu USD, tăng 18,6% so với 2019. Những thành quả nêu trên nhờ tận dụng lợi thế của vùng, cùng với tăng cường liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp vùng ĐBSCL với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam cũng như tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) mang lại.

Ngành công nghiệp đã bước đầu phát huy được hiệu quả chuyển đổi theo hướng gắn kết với tiềm năng, thế mạnh của vùng, nhất là hỗ trợ cho kinh tế nông nghiệp, tập trung vào phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp thông qua thúc đẩy công nghiệp chế biến. Riêng năm 2020, Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia cho 21 đề án với kinh phí 14.058 triệu đồng để ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm đầu tư để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo: Nhà máy điện gió Bạc Liêu 1 và 2 đã hoàn thành, khởi công và triển khai các nhà máy điện gió, điện mặt trời tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Long An..., đưa vào vận hành nhà máy điện bã mía Sóc Trăng 12MW và đang xây dựng nhà máy điện trấu Sóc Trăng 25MW, Nhà máy điện rơm rạ Sóc Trăng 10MW... Phát triển mạng lưới điện nông thôn ĐBSCL, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư 3.944 km đường dây trung thế, 4.488 trạm biến thế, 892 km đường dây hạ thế cho vùng ĐBSCL với mục tiêu cấp điện cho 21.976 hộ dân, 2.727 trạm bơm để tưới tiêu 968.900 ha (đến nay đã hoàn thành cấp điện cho 2.583 hộ dân).

Hoạt động xúc tiến thương mại trên cả nước được đổi mới nhằm ứng phó diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh thương mại của các nước lớn, dịch bệnh Covid19 diễn biến phức tạp, từ đó góp phần thúc đẩy thương hiệu, ngành hàng vùng ĐBSCL tại các thị trường xuất khẩu.

Nhiều mô hình kinh tế phù hợp với tự nhiên, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với BĐKH được các địa phương triển khai, phát triển, điển hình như mô hình nuôi tôm bền vững; chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng; nâng cao chất lượng giống; mô hình “Sinh kế thích ứng với BĐKH”, “Nước sạch và môi trường” của tỉnh Sóc Trăng; mô hình tòa nhà công sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Vĩnh Long…

Các lợi thế về sinh thái, di sản văn hóa, lịch sử cách mạng được bảo tồn và phát huy qua đó thúc đẩy kinh tế du lịch, dịch vụ vùng ĐBSCL. Nhiều khu dự trữ sinh quyển, du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, làng nghề trong vùng đã trở thành các điểm du lịch thu hút khách du lịch như Vườn quốc gia Tràm Chim, Chợ nổi Cái Răng..., Cù lao Thới Sơn, Làng Chăm Châu Giang (An Giang), làng nghề bánh tráng bánh phồng (Sơn Đốc, Bến Tre), làng hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp)… Theo thống kê, riêng năm 2019, lượng khách du lịch đến ĐBSCL ước đạt 47 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt, thu đạt hàng chục nghìn tỷ đồng.

Một số thành tựu phát triển ĐBSCL thời gian qua. Xem hình lớn hơn TẠI ĐÂY

Định hình không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng kết nối vùng và với thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ

Kết nối liên vùng về hạ tầng và kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh trên cơ sở phát huy lợi thế, sức lan toả phát triển vùng thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với ĐBSCL, bao gồm xây dựng các tuyến giao thông liên vùng, hình thành các khu công nghiệp, đô thị lớn quy mô vùng để giải quyết bài toán tổng thể để kết nối.

Trong giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đầu tư thực hiện 31 dự án, công trình giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 88.963 tỷ đồng (đã được giao 29.426 tỷ đồng), trong đó 14 dự án đã hoàn thành có tổng mức đầu tư là 41.474 tỷ đồng, 14 dự án đang triển khai thực hiện có tổng mức đầu tư là 40.494 nghìn tỷ đồng, 03 dự án đang chuẩn bị triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 6.995 tỷ đồng. Đến nay tuyến Quốc lộ 1 đã được đầu tư cơ bản phù hợp quy hoạch với quy mô 04 làn xe, hoàn thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi kết nối Cần Thơ với Kiên Giang, hoàn thành 40km từ Tp. Hồ Chí Minh đến Trung Lương, thông xe đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận...; nhiều công trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt và triển khai như: cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, Sóc Trăng, tuyến tránh quốc lộ 1A qua thành phố Cà Mau…

Vận tải đường sông được xác định là lợi thế của vùng ĐBSCL với 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối TP HCM (Đông Nam Bộ) với vùng ĐBSCL cơ bản đã được đầu tư, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III cho tàu trọng tải 800 - 1.000 tấn lợi dụng thủy triều hành thủy, đảm bảo kết nối giữa các tỉnh vùng ĐBSCL với Tp. Hồ Chí Minh để tăng thị phần vận tải, phát huy lợi thế sông nước của vùng.

ĐBSCL hiện có 12 cảng biển, 40 bến cảng, 7,6km cầu cảng, công suất thiết kế của các bến cảng trong khu vực khoảng 31 triệu tấn/năm, đóng vai trò là các cảng vệ tinh thực hiện vai trò gom hàng cho các cảng khu vực TP HCM và Cái Mép - Thị Vải và vận tải liên vùng cự ly ngắn. Đến nay tổng lượng hàng thông qua thực tế năm 2020 là 22,9 triệu tấn. Các bến cảng tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn, các tàu công ten nơ sức chở 500-1.000 TEU.

ĐBSCL có 04 cảng hàng không, trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế (Phú Quốc, Cần Thơ) và 2 cảng hàng không nội địa (Rạch Giá, Cà Mau), tổng công suất thiết kế 7,6 triệu hành khách/năm. Năm 2019 phục vụ gần 5,1 triệu lượt hành khách, riêng cảng HKQT Phú Quốc phục vụ 3,7 triệu lượt hành khách, đạt 90% công suất thiết kế.

Đường sắt: theo định hướng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Mỹ Tho-Cần Thơ-Cà Mau dài khoảng 320 km, khổ 1.435mm kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với một số tỉnh Tây Nam Bộ dự kiến đầu tư trong giai đoạn sau 2020.

Chính phủ đã quan tâm tăng cường đầu tư thực hiện nhiều dự án thủy lợi, dự án hạ tầng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu cho khu vực ĐBSCL, điển hình như: (i) Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre; (ii) Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; (iii) Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé - giai đoạn 1; (iv) Dự án Hệ thống thủy lợi tiểu vùng II, III, V Cà Mau; (v) Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới; (vi) Dự án Tha La, cống Trà Sư. Đến nay, các dự án, công trình này bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp thích ứng BĐKH qua việc hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão, lũ, phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn.

Các địa phương trong vùng cũng đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư hạ tầng như nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng (với tổng kinh phí 264 tỷ đồng); xây dựng hệ thống cống ngăn mặn và kênh trục thủy lợi tạo nguồn, trữ ngọt các địa bàn xung yếu tỉnh Sóc Trăng (với tổng kinh phí 153 tỷ đồng). Vĩnh Long đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng hơn 1.300 công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi…

Tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị khoảng 1,32 triệu m3/ngđ. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch trung bình vùng đạt khoảng 89,6% (tăng 1,5% so với năm 2017). Trong vùng ĐBSCL có 03 tỉnh/thành phố đã lập và phê duyệt quy hoạch cấp nước vùng tỉnh làm cơ sở quản lý và triển khai các dự án đầu tư (tỉnh Bến Tre, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ).

Chính phủ tiếp tục cho phép đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn vùng ngập lũ, đảm bảo người dân vùng ngập lũ được sống an toàn ổn định .

Hoạt động khai thác cát từ lòng sông để san nền từng bước được hạn chế thông qua việc ban hành 20 tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật về sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng.

Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt là các hoạt động xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt khu dân cư và cải tạo cảnh quan, hỗ trợ nguồn lực, thiết bị bảo vệ môi trường. Quản lý chất thải rắn được tăng cường cùng với việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, đầu tư các hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL được quan tâm xây dựng, đảm bảo đủ công suất, chất lượng phục vụ mục tiêu an ninh về cấp nước, an sinh xã hội.

Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL đã được thành lập kèm theo quy chế hoạt động được ban hành nhằm tham mưu, đề xuất và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH. Cùng với đó là việc hình thành các Tổ điều phối cấp Bộ, cấp tỉnh; Tổ chuyên gia tư vấn để giúp Hội đồng hoạt động hiệu quả, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách đặc thù, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án quy mô vùng, liên vùng để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Đây là nền móng ban đầu cho việc hình thành và thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp hơn với đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của ĐBSCL, tháo gỡ được những rào cản và giải phóng hiệu quả nguồn lực trong thời gian tới.

Xem hình lớn hơn TẠI ĐÂY

Khơi thông, thúc đẩy nguồn lực đầu tư công làm hạt giống, dẫn dắt đầu tư của khối doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế cho phát triển bền vững ĐBSCL

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công có tính dẫn dắt, thúc đẩy, kết nối, giải quyết các vấn đề cấp bách về dân sinh. Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 220 nghìn tỷ đồng chiếm khoảng 16% so với cả nước. Vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 cho vùng ĐBSCL trong một số lĩnh vực cụ thể: nông nghiệp (28.200 tỷ đồng); giao thông (32.961 tỷ đồng); y tế (947,5 tỷ đồng). Nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020: 2.500 tỷ đồng để xử lý các điểm sạt lở cấp bách nguy hiểm.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các Bộ, ngành và địa phương dự kiến hỗ trợ vùng ĐBSCL là: i) Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua địa phương là 266.049 tỷ đồng; ii) Tổng nhu cầu vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ để triển khai các công trình dự án trong vùng như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 32.859 tỷ đồng; Bộ Y tế 1.927 tỷ đồng; Bộ Giao thông vận tải khoảng 198.823 tỷ đồng (đề nghị Chính phủ cân đối tối thiểu khoảng 57.346 tỷ đồng).

Đối với nguồn lực ưu tiên khác: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, đề xuất Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL quy mô dự kiến 1,05 tỷ USD (tương đương 24.600 tỷ đồng) giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn lực cho vùng ĐBSCL tập trung vào hoàn thiện, đổi mới cơ chế chính sách đi kèm với các dự án liên kết vùng để đầu tư cơ sở hạ tầng, phòng chống hạn hán xâm nhập mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/9/2019.

Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, phí, tín dụng nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển lĩnh vực nông nghiệp như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản của hợp tác xã; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối...; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; miễn lệ phí trước bạ đối với đất Nhà nước giao sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; miễn thu thủy lợi phí; chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu, cấp bù lãi suất; tín dụng cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương từ Quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế, truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo, chuyển đổi ngành nghề phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được quan tâm đầu tư nhằm cung cấp những căn cứ khoa học, thực tiễn để phát triển bền vững vùng ĐBSCL một cách căn cơ, bài bản với tầm nhìn dài hạn như nghiên cứu tạo các giống cây trồng, cải tạo đất; phòng chống thiên tai, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển; nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm chuyển đổi cơ cấu sản xuất; giám sát tài nguyên nước mặt và cảnh báo hạn hán; đánh giá nguyên nhân gây ra xói lở bờ sông tại một số vùng trọng điểm và đề xuất một số định hướng về giải pháp công trình và phi công trình; thử nghiệm và đề xuất các giải pháp, công nghệ ngăn ngừa, phòng, chống, giảm nhẹ tác động khắc phục hậu quả của thiên tai; phát triển hệ thống giám sát BĐKH ở ĐBSCL... Nhiều hoạt động KH&CN được các địa phương tích cực triển khai, điển hình như nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học, biến đổi gen, đề xuất mô hình chuyển đổi mùa vụ sản xuất nông nghiệp trên nền đất lúa (tỉnh Tiền Giang); triển khai nghiên cứu, chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao (thành phố Cần Thơ)...

Tổng số lao động của vùng chiếm 20% số lao động của cả nước và được coi là một trong các lợi thế của vùng ĐBSCL. Trong những năm qua, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được quan tâm. Mạng lưới đào tạo nghề được sắp xếp lại phục vụ chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, rút dần lao động nông nghiệp chuyển sang ngành công nghiệp dịch vụ.

Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức được tăng cường thông qua Đề án tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, các hoạt động tuyên truyền về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Từ năm 2017 đến nay, chủ đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã được các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức như xây dựng phim và bài báo tuyên truyền; xây dựng, phổ biến tài liệu nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ bãi tại một số tỉnh ĐBSCL; tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, hội thảo cung cấp thông tin thị trường và nâng cao năng lực doanh nghiệp; các hội thảo về xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành chế biến nông sản, thực phẩm...).

Hợp tác quốc tế được thúc đẩy góp phần thu hút nguồn lực, tri thức, công nghệ cho ĐBSCL. Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương về phát triển tiểu vùng sông Mê Công bao gồm các cơ chế hợp tác Mê Công-Nhật Bản, Mê Công-Hàn Quốc, GMS (tiểu vùng Mê Công mở rộng), Mê Công-Lan Thương, Mê Công-Sông Hằng, CLMV, ACMECS, Quan hệ đối tác Mê Công-Hoa Kỳ. Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam đã phát huy vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2020 để chủ động gắn kết Mê Công trong ASEAN nhằm tìm được tiếng nói chung về tầm quan trọng của phát triển tiểu vùng.

 Thúc đẩy các quốc gia trong lưu vực hợp tác khai thác và sử dụng bền vững, công bằng tài nguyên, trong đó có nguồn nước, trên cơ sở hài hòa lợi ích với mục tiêu phát triển bền vững. Mở rộng và tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược ứng phó với BĐKH (trong đó có các cơ chế hợp tác, đối tác quan trọng như Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Hà Lan về thích ứng với BĐKH và quản lý nước, EU, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới…). Đề xuất việc thiết lập, xây dựng các khuôn khổ hợp tác mới với các nước, các tổ chức và các đối tác quốc tế; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, bao gồm vốn đầu tư, KH&CN để hỗ trợ ĐBSCL phát triển bền vững. Qua đó huy động được kinh nghiệm về chuyển đổi mô hình sinh kế, sản xuất nông nghiệp bền vững, điều chỉnh quy hoạch về thủy lợi, phát triển hạ tầng đô thị ĐBSCL, phát triển hạ tầng giao thông vận tải thích ứng với BĐKH. Hiện nay đã có 20 đối tác phát triển quan tâm hỗ trợ cho ĐBSCL.

Đánh giá tổng thể, hạn chế, nguyên nhân và thách thức

Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, có thể khẳng định vùng ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng:

- Định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung; quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành. Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như, thiệt hại về riêng diện tích lúa đợt hạn mặn vừa qua chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn năm 2015-2016.

- Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, trong hai năm liên tục 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7,3%. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong nông nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn thuận thiên, chúng ta chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.

- Đời sống văn hóa, tinh thần từng bước được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống của vùng từng bước được bảo tồn, phát huy khai thác hiệu quả phục vụ người dân ĐBSCL và cả nước cũng như các du khách quốc tế.

- Dịch bệnh được giám sát, khống chế và có xu hướng giảm; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn vùng ĐBSCL có nhà tiêu hợp vệ sinh năm 2019 đạt 62% (tăng 6,7% so với năm 2017).

Những kết quả trên đạt được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực chủ động của các Bộ, ngành, địa phương; sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, sự quan tâm và tham gia hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo sâu sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết cùng với những giải pháp hiệu quả.

Thực tiễn đó một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững ĐBSCL, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trong nước và quốc tế, đặc biệt là trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu. Việc triển khai Nghị quyết đã kế thừa, tích hợp kết quả của các chương trình khoa học công nghệ, các dự án đã và đang triển khai thực hiện trong những năm qua. Đồng thời khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển bền vững ĐBSCL, góp phần ứng phó với BĐKH toàn cầu trên cơ sở kết hợp giữa sáng tạo, tri thức bản địa với các thành tựu khoa học và công nghệ thế giới; sự vươn lên mạnh mẽ và khát vọng phát triển của người dân cả nước và ĐBSCL để chuyển hóa các thách thức thành cơ hội phát triển mới.

Hạn chế và nguyên nhân

- Thứ nhất, trong hơn 03 năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành mới, bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách cho riêng vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này cần có thời gian để phát huy hiệu quả, đồng thời phải phù hợp với tổng thể chung của cả nước. Thể chế điều phối vùng vừa mới được hình thành và cần có thời gian để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối thực hiện các nhiệm vụ liên ngành, liên vùng, đặ biệt là đề xuất những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông...

- Thứ hai, Nghị quyết số 120/NQ-CP được ban hành sau Chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nên mặc dù nguồn lực thực hiện Nghị quyết đã được quan tâm, thúc đẩy nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Phần lớn các công trình, dự án có tính liên vùng, liên ngành, có quy mô lớn nhằm thay đổi cơ bản bức tranh phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH vẫn còn chậm triển khai thực hiện. Cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được đột phá, đặc biệt do tác động của đại dịch Covid19, để tập trung nguồn lực cho các chương trình, dự án tạo ra động lực để thực hiện chuyển đổi quy mô lớn.

- Thứ ba, Luật quy hoạch được ban hành với các yêu cầu và nội dung mới dẫn đến một số lúng túng trong quá trình rà soát, xây dựng quy hoạch, nhất là việc xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL theo phương pháp tích hợp và các quy hoạch ngành, địa phương để tích hợp vào Quy hoạch vùng ĐBSCL. Tư duy phát triển thuận thiên, theo 3 vùng kinh tế sinh thái chậm được triển khai, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn lúng túng do chưa có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL. Các dự án hạ tầng còn thiếu kết nối đồng bộ, đa mục tiêu để tạo ra động lực phát triển thị trường cho các hàng hóa nông sản là thế mạnh của vùng như lúa gạo, trái cây, thủy sản.

- Thứ tư, công tác nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, số liệu, dữ liệu mới được quan tâm thúc đẩy trong thời gian gần đây nên chưa cung cấp đủ cơ sở, luận cứ khoa học cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch; chưa làm rõ được thế mạnh của vùng về nông nghiệp, du lịch, biển đảo để đề xuất các giải pháp hiệu quả, các chương trình, dự án thúc đẩy ngành kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch, công nghiệp chế biến cũng như kinh tế nông nghiệp đồng bộ về thị trường, công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị và tính cạnh tranh của hàng hóa.

Thách thức

- Biến đổi khí hậu, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn . Trong bối cảnh các nỗ lực toàn cầu về ứng phó với BĐKH, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính vẫn chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng theo Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH cũng như Thỏa thuận Paris, do đó ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi trong tương lai gần. 

- Các hoạt động khai thác, sử dụng nước ở phía thượng nguồn, đặc biệt là các dự án thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Công ngày càng phức tạp hơn trong khi cơ chế điều phối tiểu vùng đã cho thấy những bất cập, khó phát huy tối đa hiệu quả, tình trạng thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước được dự báo sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển ĐBSCL.

- Nghị quyết số 120/NQ-CP mới được triển khai thực hiện hơn 03 năm và mới chỉ ở bước đầu, trong khi các mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ trong Nghị quyết mang tính chiến lược, dài hạn. Do đó cần phải có thời gian và nguồn lực để đảm bảo triển khai khối lượng công việc lớn đã được đề ra.


Xem hình lớn hơn TẠI ĐÂY.

Anh Hùng